Từ nhân sinh quan đến thẩm mỹ quan của Nguyễn Đình Chiểu

 

Vị trí và giá trị thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học Việt Nam nói chung và trong dòng văn học yêu nước nói riêng lớn lao như thế nào, đó là một điều mà tất cả mọi người đều khẳng định. Nhưng có một vấn đề quan trọng mà nhiều người chưa nhất trí, đó là giá trị và tác dụng lớn lao của văn thơ Nguyễn Đình Chiểu có phải chủ yếu là ở nội dung tư tưởng thôi, còn về nghệ thuật thi thấp không; hay giá trị của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là toàn diện, cả về nội dung lẫn hình thức ?

Chúng tôi muốn phát biểu một số ý kiến góp phần vào việc giải quyết sự chưa nhất trí này. Vấn đề cần tìm hiểu trước hết là đặc điểm của hình thức nghệ thuật, của phương pháp biểu hiện của Nguyễn Đình Chiểu, hay nói rộng ra là phương pháp nghệ thuật ấy xuất phát từ một quan niệm thẩm mỹ nào và quan niệm thẩm mỹ ấy bắt nguồn ở đâu, từ nguồn gốc tư tưởng  nào,  từ nhân sinh quan nào. Trong bài thơ nhan đề sĩ, trong số bốn bài thơ Sĩ, Nông, Công, Thương, Nguyễn Đình Chiểu đã viết :

Cẩm vân thêu dệt đời, đời chuộng
Mùi đạo trau giồi bữa, bữa no.
Gặp thuở mày xanh siêng  đọc sách,
Mỗi câu đều hưởng phức  trời cho...

Trong Lục Vân Tiên, ngay ở đầu truyện, khi nói đến tài học của Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu cũng viết: "Văn đà khởi phụng đằng giao..." Nghĩa là  văn  đẹp  như con phượng trỗi dậy, con rồng  bay cao. Ở  đoạn  Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga trao thơ cho nhau, sau  khi Vân  Tiên đánh tan bọn cướp, cứu được Nguyệt Nga, Nguyễn Đình Chiểu lại viết:

Nguyệt Nga úng tiếng xin hầu,
Xuống tay liền đã tám câu năm vần.
Thơ rồi này thiếp xin dâng,
Ngửi trông lượng rộng văn nhân thế nào.
Vân Tiên xem thấy ngạt ngào,
Ai ngờ sức gái tài cao bức này !
Đã mau mà lại thêm hay,
Chẳng phen Tạ nữ cùng tày Từ phi.
Thơ ngâm dũ xuất dũ kỳ,
Cho hy tài gái kém gì tài trai !

Trong Ngư Tiều y  thuật vấn đáp, ở phần Lung khởi, đoạn Ngư  Tiều gặp nhau, cùng làm thơ, Nguyễn Đình Chiểu viết :

Ngư rằng : vốn thật thày nho,
Lòng cưu gấm vóc, lại giàu lược thao.
Nói ra, vàng đá chẳng xao
Văn ra : dấy phụng, rời giao tưng bừng...

Qua những dẫn chứng trên đây, chúng ta thấy Nguyễn Đình Chiểu rất chú trọng đến cái hay cái đẹp trong thơ văn ; ông đã ví thơ văn như gấm thêu, vóc dệt như rồng bay phượng múa, như vàng, như đá, càng viết càng hay, càng lạ. Nhưng cái đẹp, cái hay trong thơ văn đối với Nguyễn Đình Chiểu không phải là cái đẹp cái hay  hình thức, mà cái đẹp cái hay ấy phải bắt nguồn từ nội dung đạo đức, từ hương thơm ngạt ngào của thơ văn, cái đẹp là cái đẹp của vàng, cái rắn là cái rắn của đá. Trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp , ở phần ba (Nhập môn) đoạn Nhập môn, Đạo Dẫn, Ngư, Tiều, xướng họa, Nguyễn Đình Chiểu viết:

Noi theo đạo cũ  Kim liên,
Cùng nhau xướng họa đoản thiên nối bài
Mặc dầu hai chữ tả hoài,
Việc xưa, được, mất, bởi ai, cớ gì ?
Người xưa, sao có thị phi,
Đạo đời sao có thịnh suy chẳng đồng ?

Chúng ta thấy cái nội dung rộng bao la và sâu thẳm của thơ văn trong quan niệm Nguyễn Đình Chiểu, cái nội dung ấy bao gồm cả một nhân sinh quan, một triết lý về cuộc đời, về con người, về phải trái, về quá trình lịch sử... Chúng ta cũng thấy rằng, thơ văn, theo quan niệm của  Nguyễn Đình Chiểu, không phải là thứ phù phiếm ngâm hoa vịnh nguyệt, mà phải có tác dụng bổ ích cho con người, cho xã hội, qua việc biểu dương: điều hay, phê phán việc dở, như tinh thần   "bao biếm " của Khổng, khi viết sách Xuân thu :

Học theo ngòi bút chí công,
Trong thơ cho ngụ tấm lòng Xuân thu.

Trong Lục Vân Tiên, tác giả đã mở đầu với hai câu :

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.

Tiếp đến, Nguyễn Đình Chiểu lại viết :

Bấy lâu cửa Thánh gần kề,
Đã tươi khí tượng, lại xuê tinh thần.

Thơ văn của "thánh hiền" xưa là như vậy. Nói cách khác, thơ văn phải có tính chất chiến đấu, chiến đấu cho chính nghĩa, cho đạo đức, chống lại gian tà Hồ Chủ tịch đã nói " trong thơ nên có thép". Trong bài Than đạo,Nguyễn Đình Chiểu viết :

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Trong bài Vịnh Khổng tử, Nguyễn Đình Chiểu cũng viết:

"Nét mực tu kinh ngăn đứa loạn..."

Như vậy, có thể nói là Nguyễn Đình Chiểu đã cho ta thấy rõ quan niệm thẩm mỹ của ông, đặc biệt là về mục đích và tác dụng của thơ văn. Đối chiếu quan điểm này với cuộc đời và con người ông, ta sẽ thấy rõ  sự  nhất  trí  giữa  nhân  sinh  quan và thẫm mỹ quan của Nguyễn Đình Chiểu. Nhà thơ từng viết:

Trọn đời một tấm lòng son,
Chí lăm trả nợ nước non cho rồi.

Hai câu thơ này nói lên ý chí của Lục Vân Tiên, và cũng là của Nguyễn Đình Chiểu đem cả cuộc đời, cả thơ văn để cứu nước, cứu dân. Nếu ta điểm lại toàn bộ thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta phải ngạc nhiên thấy không có một bài thơ nào, không có đến cả một câu thơ nào là không có một ngụ ý giáo dục tư tưởng, xây dựng tình cảm, cải tạo con người, cải tạo xã hội, vì nước vì dân. Ba tác phẩm dài của Nguyễn Đình Chiểu: Lục Vân Tiên ,Dương Từ — Hà Mậu và Ngư Tiều y thuật vấn đáp có thể xếp vào loại các tiểu thuyết luận đề nhằm chứng minh, khẳng định, một tư tưởng, một lý tưởng chủ đạo: trung hiếu, tiết nghĩa, yêu nước, thương dân.

Ta có thể nói đạo đức là thức ăn tinh thần, là môi trường sống, là không khí của Nguyễn Đình Chiểu hít thở. Đạo đức nhân nghĩa là máu huyết, là thịt da con người Nguyễn Đình Chiểu. Cái nhu cầu đọc đức nhân nghĩa ấy lại càng mạnh hơn đối với Nguyễn Đình Chiểu cái lý tưởng của Nguyễn Đình Chiểu càng mãnh liệt, càng sâu sắc hơn, khi cái thực tế xã hội mà Nguyễn Đình Chiểu trông thấy càng thối nát, càng nhơ bẩn. Khoảng nửa thế kỷ trước Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du viết:

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trồng thấy mà đau đớn lòng.

Đến Nguyễn Đình Chiểu, ông viết:

Trước đèn xem truyện Tây minh,
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.

Và trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Nguyễn Đình Chiểu viết :

Nói ra thì nước mắt trào,
Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi. .
Đương thuở tinh chiên dặm bấy đường,
Trăm nhà nấy trọn dấu thư hương...

Nguyễn Đình Chiểu say mê đạo đức. Trong bài thơ Sĩ, Nguyễn Đình Chiểu đã viết: "Mùi đạo trau giồi bữa, bữa no." Trong Thư gửi cho em, Nguyễn Đình Chiểu cũng viết: "Nghe nhiều kẻ tiếng đời nhơ bợn, muốn cho em mùi đạo thơm tho ". Trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Nguyễn Đình Chiểu viết:

Mấy ngày theo đạo truân truân,
Như mình ở giữa gió xuân mưa hòa.

Nguyễn Đình Chiểu cũng đã viết :

Ví dù trong đạo Nho ta,
Một ngày chẳng thấy như ba tháng ròng.

Thiết tha nhất, cao đẹp nhất là hai câu :

Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
Lòng đạo xin tròn một tấm gương.


Cái lý tưởng say mê đạo đức ấy xuất phát từ một lòng nhân đạo sâu sắc, bao gồm lòng yêu nước, thương nhà, yêu thương con người sâu sắc :

Cuộc sống gần gũi với nhân dân, hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, nhân dân đau khổ nhưng anh dũng tuyệt vời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tất cả những cái đó đã tạo cho Nguyễn Đình Chiểu cái nhân sinh quan ấy, cái phẩm chất cao đẹp ấy. Là một nhà thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện qua toàn bộ tác phẩm ông cái nhân sinh quan ấy. Nói ngược lại, thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, về nội dung cũng như về hình thức, trong tư tưởng cũng như trong phương pháp biểu hiện là phản ánh của cái nhân sinh ấy. Để chứng minh điều đó, chúng ta hãy phân tích những chủ đề chính của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và các biện pháp mà ông đã sử dụng trong phương pháp biểu hiện về cấu tứ cũng như về hành văn.

Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu cố nhiên biểu hiện tâm sự, tình cảm của ông, nhưng không phải là tâm tư riêng, cuộc đời riêng hoàn toàn cá biệt. Ta thường nói truyện Lục Vân Tiên có phần nào tính chất tự thuật, vì có những điểm tương tự giữa cuộc đời của Lục Vân Tiên và cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu. Tuy vậy, Lục Vân Tiên không phải là văn thơ nói về cuộc đời riêng, tâm sự cá biệt của một người. Cuốn truyện phản ánh một thực tế xã hội rộng lớn, thể hiện một chủ đề tư tưởng có tính chất xã hội ; cố nhiên tất cả đều phải được thông qua nhân sinh quan, lý tưởng, và cách nhìn, cách cảm xúc của Nguyễn Đình Chiểu. Văn thơ yêu nước khác của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Ở đây có lòng thiết tha yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, nhưng đồng thời cũng là tấm lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của cả nhân dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là nhân dân Nam Bộ, mà Nguyễn Đình Chiểu là tiêu biểu.

Ở đây còn có vấn đề Nguyễn Đình Chiểu  viết  cho ai. Câu  trả lời thật dễ dàng : ông viết cho nhân dân. Vì vậy cho  nên hình thức nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu rất đơn giản, đặc biệt là ngôn ngữ. Có người trách Nguyễn Đình Chiểu là không trau giồi nghệ thuật ; cũng có người bảo là vì Nguyễn Đình Chiểu mù nên gặp nhiều hạn chế về mặt này. Điều đó rất có thể như vậy, nhưng những hạn chế ấy nếu  có thực vẫn không thay đổi tính chất nhân dân, tính chất đại chúng của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, trước hết là về mặt ngôn ngữ. Nguyễn Đình Chiểu là một trong những người đầu tiên đem tiếng nói thông thường của nhân dân, nhất là của nhân dân lao động vào trong thơ. Ngôn ngữ, hình tượng, đôi khi một vài hình thức cú pháp đảo ngược của nhân dân mà Nguyễn Đình Chiểu đã mạnh dạn sử đụng vẫn không làm thay đổi ý nghĩa câu thơ và người đọc vẫn hiểu một cách chính xác ; chẳng hạn câu dưới đây trong Lục Vân  Tiên : Vân Tiên là Trực chị dâu... hay: Nói rồi bức tượng vai mang..,

Ngược lại, có người thường trách Nguyễn Đình Chiểu dùng quá nhiều điển tích, và cho như thế là thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu không đại chúng. Điều đó có đúng không ? Nguyễn Du trong Truyện Kiều có dùng nhiều điển tích không? Ít nhất, chắc không kém Nguyễn Đình Chiểu. Chỉ có điều là một số đoạn trong. Lục Vân Tiên hay trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp tập trung nhiều điển tích (Đoạn " thương, ghét " của ông Quán trong Lục Vân Tiên, đoạn " chính, tà " và "đui, sáng" trong Ngư Tiều vấn đáp v.v...).

Điều này không tránh được, vì đây là những đoạn lập luận có tính chất hùng biện( đòi hỏi tập trung minh chứng, về vắn đề điển tích, có một điểm nữa cần phân tích thêm, đó là ý nghĩa và sức mạnh biểu hiện của nó đối với những nhà thơ cổ điển nói chung và đối với Nguyễn Đình Chiểu nói riêng. Việc dùng điển tích, nhất là trong văn học cổ điển ở phương Tây cũng như ở phương Đông là rất phổ biến. Điển tích đối với những tác gia cũ có một giá trị hình tượng, có một sức mạnh gợi cảm sâu sắc, nghĩa là có một giá trị biểu hiện nghệ thuật cao, nói tóm lại là những hình tượng nghệ thuật súc tích. Đặc biệt đối với Nguyễn Đình Chiểu, những hình tượng ấy là những biểu tượng sinh động của những đức tính cao quý, của những tình cảm nồng nhiệt mà mỗi lần nhắc đến, cả tâm hồn của nhà thơ rung động.

Điển tích  hay nói cách khác, chủ nghĩa nhân văn cổ đại phương Đông đã thâm sâu vào tâm hồn của Nguyễn Đình Chiểu, cho nên thơ văn của ông đã hòa hợp cái thực tế hiện đại của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đang đấu tranh chống ngoại xâm với cả cái tinh hoa của nền văn minh cổ đại ấy; lòng thương ghét, tình cảm nồng nhiệt của Nguyễn Đình Chiểu bao trùm cả nhân dân đất nước và cả lịch sử của nhân loại. Ta cũng thấy trong văn thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu sự phối hợp hài hòa các khái niệm, hình tượng, ngôn ngữ cổ kim, tạo nên những câu văn thiết tha nồng nàn trong những bài văn tế :

Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu ; hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó ...
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây ; trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ ...

                                                                                                                            (Văn tế nghĩa sĩ Cần-giuộc)

Vì ai khiến dưa chia khăn xé, nhìn giang sơn ba tỉnh luống thèm buồn ; biết thuở nào cờ phất trống rung hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái ...
                                                                                                                            ( Văn tế Trương Định )

Những câu thơ văn lâm ly thống thiết trên đây là kết quả của một sự phối hợp hài hòa điển xưa với việc mới, nó làm cho chúng ta thấy được tâm hồn nồng nhiệt, đạo đức cao cả của Nguyễn Đình Chiểu là kết tinh của tinh hoa cổ kim, của truyền thống nhân loại. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đòi hỏi ở người đọc sự rung cảm sâu sắc, sự hiểu biết chủ nghĩa nhân văn cổ và sự cảm thụ mạnh mẽ với thực tế đương thời ; đòi hỏi cái mà người ta gọi là sự đã được " nhập môn ". Nếu chúng ta chưa hiểu hết cái hay, cái đẹp của văn thơ Nguyễn Đình Chiểu, vừa đại chúng, vừa bác học, là bởi  tại ở chúng ta tri thức còn thiếu sót và tình cảm còn nông cạn hẹp hòi, hay bản thân ta chưa gần đại chúng ngày nay và chưa hiểu người xưa.

Chỉ có một điều đáng tiếc về mặt này là Nguyễn Đình Chiểu chưa khai thác hết cái truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam, nói cách khác là biết dẫn lịch sử vẻ vang của dân tộc với những tấm gương của người xưa, nhưng đó là khuyết điểm chung của phần lớn những nhà văn cổ điển của chúng ta, — tôi nói phần lớn, vì một đôi khi, chưa thành được hệ thống và có ý thức rõ rệt, một số nhà văn cổ cũng đã khai thác được những giá trị nhân đạo lớn lao, truyền thống yêu nước bất khuất trong lịch sử của dân tộc.

Sự phối hợp hài hòa giữa tính chất đại chúng, dân tộc và bác học, nhân văn, trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã bảo đảm giá trị phổ biến và lâu dài của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và đưa thơ văn ông vào kho tàng quý báu của nền văn học Việt Nam. Chúng tôi đã tìm hiểu trên đây đặc điểm của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và cố gắng chứng minh rằng ý kiến của Nguyễn Đình Chiểu về thơ văn, hay như ta nói bây giờ, quan điểm thẩm mỹ cua Nguyễn Đình Chiểu là hoàn toàn do nhân sinh quan của nhà thơ quyết định.

Vì Nguyễn Đình Chiểu có một lòng nhân nghĩa nồng nhiệt, say mê đạo đức, yêu nước, yêu dân, lo đời, thiết tha muốn cứu đời, vì có một nhân sinh quan như vậy, cho nên ta có thể nói sự nghiệp văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng như cuộc đời của ông lý tưởng của ông là nhất trí. Và từ tác phẩm tuổi trẻ Lục Vân Tiên đến văn thơ kháng chiến và Ngư Tiều y thuật vấn đáp của ông, ta thấy có một quá trình phát triển lô-gich. Thực tế cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của đồng bào Nam Bộ và đồng bào toàn quốc, sự trưởng thành về tư tưởng và tình cảm cũng như về nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể ấy của dân tộc, đặc biệt của Nam Bộ, đã giải thích quá trình phát triển đó, nhưng không có một sự thay đổi chiều hướng hay thay đổi bản chất nào.

Từ Hớn Minh, Tử Trực đến các nghĩa dân Nam Bộ chống thực dân xâm lược Pháp; từ ông Quán, ông Ngư, ông Tiều trong Lục Vân Tiên đến các nhân vật trong Ngư Tiều vấn đáp là có một quá trình liên tục tiến lên như vậy, cũng như từ những lời thương ghét của ông Quán trong Lục Vân Tiên đến những lời luận về chính tà, về đui sáng trong. Ngư Tiều vấn đáp, là có một quá trình phát triển từ thấp lên cao, cả về nội dung lẫn hình thức.

Trên đây, chúng tôi đã mạnh dạn trình bày một số ý kiến về tính chất, đặc điểm và giá trị thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của nó. Tôi rất mong được các bạn nghiên cứu và yêu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cùng trao đổi ý kiến để tiến tới làm sáng tỏ thêm vấn đề này.