Nguyễn Đình Chiểu nhà trí thức miền nam yêu nước vĩ đại


Chúng ta kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, mà chúng ta có thể gọi là một nhà thơ chiến sĩ, trong khi tiếng súng diệt thù đang ngày đêm vang rền trên cả hai miền Nam Bắc nước ta, giữa những tin chiến thắng dồn dập từ miền Nam rực cháy lửa tiến công và nổi dậy chống giặc Mỹ và tay sai. Nguyễn Đình Chiểu sinh ở Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ XIX. Cụ là một nhà thơ, một nhà giáo dục, một thầy thuốc, một nhà bác học. Kiến thức của cụ rất rộng. Nhưng giá trị chân chính của một nhà tri thức tiêu biểu không phải chỉ ở cái học vấn thâm uyên, mà chủ yếu  là ở chỗ học thức của mình có tác dụng góp phần xây dựng một xã hội công bằng và một ngày mai tươi sáng cho dân, cho nước hay không.

Trên quan niệm đó, chúng ta có thể khẳng định rằng Nguyễn Đình Chiểu là một nhà tri thức chân chính, một nhà tri thức rất xưa mà cũng rất nay. Nói cách khác, một nhà tri thức tiêu biểu cho ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà trí thức yêu nước. Sinh ra và lớn lên giữa lúc chủ nghĩa tư bản phương Tây đang ở vào giai đoạn bành trướng, thực dân Pháp lần lượt chiếm đoạt ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, cụ Đồ Chiểu không thể ngồi yên trước cảnh nhà tan nước mất. Nếu không mù thì cụ đã xông pha dưới mũi tên làn đạn để giết giặc cứu nước dưới trướng Đốc binh là như Nguyễn Đình Huân, người em út của cụ. Nhưng không được, Cụ đành dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu chống thù, đền nợ nước.

Cụ ca tụng những lãnh tụ kháng chiến như Trương Định được dân cử ra và vì dân mà đã hy sinh anh dũng. Cụ biểu dương những nghĩa sĩ trận vong, nghĩa sĩ Cần Giuộc, nghĩa sĩ Lục Tỉnh, xuất thân từ nông dân và là chủ lực quân của kháng chiến.

Cụ tố cáo những thủ đoạn hung tàn của lũ quỷ trắng xâm lăng và căm thù chúng đến muốn "ăn gan cắn cổ". Cụ vạch tội bọn Việt gian bán nước như Tôn Thọ Trường, và nêu cao gương của một số bạn tri giao không thèm họp tác với giặc. Tiếng nói của Cụ là tiếng nói của truyền thống bất khuất của dân tộc ta. Cũng là tiếng nói của tinh thần tiết tháo của người tri thức Việt Nam chân chính.

Ở Nguyễn Đình Chiểu tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức bảo vệ chính nghĩa. Từ lâu, một đức tính nổi bật của con người Việt Nam nói chung, con người miền Nam nói riêng, là trọng nghĩa khinh tài mà Vân Tiên, Hớn Minh trong truyện Lục Vân Tiên là những nhân vật điển hình. Cụ Đồ Chiểu đã minh họa đức tính ấy trong câu:

Nhớ câu kiên nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

Về quan niệm, đã là nghĩa thì chính đối lập với tà, phải đối lập với quấy. Trong đối nhân xử thế mà có thủy có chung như Tiểu đồng, Tử Trực, nhất là Kiều Nguyệt Nga, đó là nghĩa. Khi quốc gia hữu sự giặc ngoại xâm giày xéo đất nước, mà kiên quyết vùng lên đánh chúng, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, đó lại là đại nghĩa. Không thể "kiến nghĩa" mà  "bất vi", trái lại, phải biến lòng báo nghĩa, tức là chuộng lẽ phải, thành hành động dũng cảm. Nghĩa là điểm xuất phát mà cũng là điểm kết tinh của lương tri nhân dân, nó tác động trực tiếp đến tâm tư cụ Đồ Chiểu, chính nó bồi bổ và uốn nắn, chỉnh lý lại quan điểm trung quân đơn thuần của nhà nho Văn Thiên Tường mà bài Chính khí ca đã được hầu như sao nguyên văn vào tập Ngư Tiều vấn đáp.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà trí thức thương dân. Là con một viên thư lại, cụ Đồ Chiểu thuộc gia đình sĩ phu lớp dưới. Mù lúc 26 tuổi, Cụ đã dốc hai phần ba cuộc đời mình vào nghề dạy học và làm thuốc. Sống giữa nhân dân lao động, thông cảm với cảnh cơ cực của họ. Cụ không thể không thương dân, không thể không thông cảm với những đau khổ của nhân dân. Thương dân là một từ ngữ chính Cụ đã khai sinh :

Thương dân sao chẳng lập thân
Để khi nắng hạ toan phần làm mưa.

Lòng thương dân đó chưa bao hàm nội dung phục vụ nhân dân, nhưng nó khác hẳn với "trạch dân" (ban ơn cho dân), một quan niệm của nhà nho phong kiến. Khi bọn thực dân thống trị và bọn bù nhìn của chúng ra tay áp bức bóc lột dân nghèo, thì mượn lời nói của ông chủ quán, cụ mắng lũ Kiệt Trụ tân thời là "để dân sa hầm ", "khiến dân lầm than"," làm dân nhọc nhằn" và " lằng nhằng rối dân". Mặt khác, Cụ đề cao đức tính tốt của những người lao động bình thường như Kim Liên, tiểu đồng, ông ngư, ông tiền vừa là ẩn sĩ vừa là người lao động. Thương và ghét, nơi Cụ, thật là đúng đắn, rõ ràng.

Hơn nữa, theo Cụ, lòng thương dân còn phải thể hiện bằng hành động. Cụ hết lòng chữa bệnh, " thấy người đau giống mình đau", coi y dân (chữa bệnh cho dân) cũng cao quý như là y quốc (chữa bệnh của nước). Đó là một biểu hiện của tình nhân ái cổ truyền của nhân dân ta: Thương người như thể thương thân. Cụ cho rằng người lương y phải thể hiện đức hiếu sinh của trời đất. Cụ bài xích mê tín dị đoan, đồi phong bại tục, đả kích bọn lang băm, phản đối việc cầu thầy sãi, cầu thầy pháp, cầu thần quỷ và cầu đồng bóng. Ngoài giờ  hành nghề, cụ tập trung vào sáng tác. Cụ cung cấp cho nông dân một món ăn tinh thần thích hợp với khẩu vị của họ: truyện Lục Vân Tiên.

Lục Vân Tiên phỏng theo kiểu tiểu thuyết chương, hồi, nhưng không phải thuộc loại tiểu thuyết tài tử mà là loại tiểu thuyết trung hiếu tiết nghĩa. Nội dung nhằm rèn luyện con người trải qua nhiều gian nguy thử thách và cuối cùng phải được hưởng  hạnh phúc, nghĩa là chính nghĩa phải thắng phi nghĩa, nhân nghĩa nhất định thắng bạo tàn. Nó cũng nhằm đề cao người ngay bằng cách đối lập với kẻ gian. Hai khái niệm này dễ đi vào tâm khảm của người nông dân.

Văn phong thì ít tả cảnh tả người mà chú trọng kể chuyện. Ngay đến việc tả tình thì cũng chân phương, ngay thẳng, không màu mề đẽo gọt, như trái tim để trên lòng bàn tay. Người nông dân chất phác biểu thị tâm tư tình cảm bằng hành động hơn là lời nói, cho nên trong mối tính đầu của Vân Tiên và Nguyệt Nga chẳng hạn, người đọc có suy nghĩ về tâm lý và hoàn cảnh của họ thì mới xúc động trước những lời đối thoại mộc mạc của hai người.

Ngôn ngữ thì sinh động, bình dị, từ cách xưng hô cho đến những biệt ngữ. Bên cạnh những ca dao tục ngữ, những đề tài dân gian, tác giả còn sử dụng một cách hào phóng những từ ngữ rất quen thuộc của nông dân, càng làm giàu cho ngôn ngữ văn học.

Về nghệ thuật, Lục Vân Tiên có chỗ mạnh, chỗ yếu. Có một điều là nó rất được đông đảo quần chúng thưởng thức. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, đêm đêm trên bờ kênh xa xăm, dưới ngọn đèn leo lắt, cuộc " nói thơ Vân Tiên " rất phổ biến trong nhân dân và chiến sĩ vùng giải phóng. Sau truyện Song Tinh, Lục Vân Tiên là tập truyện thứ hai trong văn học miền Nam, và có lẽ không quá đáng nếu nhận định rằng đó là loại I-li-át và Ô-đi-xê của miền Nam.

Với Nguyễn Đình Chiểu, yêu nước và thương dân gắn liền với nhau và là thước đo lường phẩm chất của người tri thức. Bên cạnh hai tư tưởng cơ bản ấy, toàn bộ tác phẩm của cụ Đồ Chiểu cũng chứa đựng những khía cạnh độc đáo, sáng tạo về nhiều mặt mà các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, trong khi tìm tòi, có thể khám phá ra những cái mới.

Cũng cần nói thêm rằng ý thức hệ Nho giáo đóng một dấu ấn khá sâu vào tư duy của Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng nó được quan niệm lại do truyền thống của dân tộc ta, do thực tế của xã hội đương thời và cũng do môi trường sinh sống của bản thân cụ.

Nghĩa trong Kinh, biết đặng tinh,
Chỗ hay nương lấy ý mình suy ra.

150 năm đã trôi qua kể từ khi Nguyễn Đinh Chiểu ra đời. Những cái gì lỗi thời như ảnh hưởng  tiêu cực của đạo Nho dần dần bị vùi dưới lớp bụi của thời gian. Trái lại, những ý nghĩ cao đẹp của cụ như : tinh thần bất khuất, vai trò của nông dân, đức dũng cảm đảm đang của người phụ nữ, sứ mạng của người trí thức kiên quyết chống giặc kể cả việc bất hợp tác với chúng, nhiệm vụ bài trừ văn hóa đồi trụy, những cái đó còn mang tính chất thời sự nóng hổi. Dưới ánh sáng của tư tưởng cách mạng ngày nay, những ý nghĩ cao đẹp ấy được bồi đắp và phát huy trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta.

Từ khi đặt chân lên miền Nam nước ta, đế quốc Mỹ đã phạm bao nhiêu tội ác cực kỳ dã man để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới trên mọi lãnh vực mà chiến lược "Việt Nam hóa", chiến tranh là sự biểu hiện thâm độc và man rợ nhất. Chúng dội hàng chục triện tấn bom đạn, thả chất độc hóa học, gây nên những tội ác trời không dung đất không tha trên cả hai miền Nam Bắc vời ý đồ diệt sinh, diệt chủng. Mỉa mai thay ! bọn Việt gian Nguyễn Văn Thiệu cũng bày ra kỷ niệm những danh nhân của đất nước kể cả Nguyễn Đình Chiểu, trong khi ngày đêm chúng chỉ tính trăm phương ngàn kế phục vụ chính sách " Việt Nam hóa " chiến tranh của Mỹ.

Thấm nhuần tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", nhân dân ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt chống Mỹ, cứu nước. Để hỗ trợ chúng ta, tiếng nói chính nghĩa, tiếng nói căm thù của cụ Đồ Chiểu từ một thế kỷ trước như đang thét vào mặt quân cướp nước và bán nước đã và đang gây ra bao nhiêu thống khổ, tai họa cho nhân dân miền Nam trong chiến tranh hủy diệt đầy tội ác của chúng.

Thử coi trong cuộc nước non,
Bốn chia, năm xé, thon von dường nào.
Nhảy vòng phú qúy lao xao
Sớm tôi, tối chúa ,ra vào gườm nhau
Muôn dân ép ráo mỡ dầu
Ngày trau khí giới, tháng xâu điện, đài.
Thêm bầy gian nịnh chen vai
Gây nên mọi rợ từ ngoài lấn trong
Đánh nhau thây bỏ đầy đồng
Máu trôi đọng vũng, non sông nhơ hình....

                                    (Ngư Tiều vấn đáp)

Tất cả tình cảm quý trọng, tôn cao của Nguyễn Đình Chiểu từ khi giặc Pháp xâm lược, là dành cho các anh hùng dân tộc và cho đông đảo nhân dân lao động anh dũng, kiên cường chống giặc đến cùng. Đó cũng là đề tài của những áng văn thơ hiện thực nhất, xúc động nhất, hay nhất của Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thơ điếu Trương Công Định, Văn tế Trương Công Định, Thơ điếu Phan Công Tòng, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục Tỉnh ...

Những áng văn ấy bi mà rất hùng, ảo não nhưng không bi quan, gây cho ta một nỗi căm hờn tột độ bọn đế quốc xâm lược chứ tuyệt đối không làm cho chúng ta sợ chúng. Những áng văn ấy thể hiện tương đối đầy đủ bản chất anh hùng của dân tộc ta đương thời. Tác giả là người giàu tinh thần chiến đấu chống đế quốc xâm lược. Và trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tác giả giữ niềm tin tưởng rằng sẽ có ngày bọn đế quốc phải cút, nước sẽ độc lập, thống nhất, nhân dân sẽ được tự do :

                                                                                               Một trận bão rồi bờ cõi sạch
            
                                                                                   Trời thu như cũ mãi khống hao.

                                                                                                                                                  (Trời bão)


                                                                                                Một trận mưa nhuần rửa núi sông

                                                                                                                                                  (Xúc cảnh)

                                                                                                Ngày khác xa thư về một mối

                                                                                                 Danh thơm người tới cõi hoàng đô.

                                                                                                                                                  (Thơ điếu Phan Công Tùng)


Nguyễn Đình Chiều đang sống với chúng ta, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của nhân dân ta ngày nay.
Tiếng nói chính nghĩa của cụ Đồ Chiểu là lời đáp lại tiếng gọi vang dậy núi sông của Hồ Chủ tịch trong bản "Di chúc" thiêng liêng của Người:

"Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà ’’ !