Mở rộng nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu

 

Một nhà văn lớn thường được rất nhiều người nghiên cứu. Khi có dịp bàn về Nguyễn Đình Chiểu thì chúng ta ai chẳng  muốn nói ra những ý nghĩ tha thiết của mình, nói cho có đầu có đuôi, cho hết nữa! Do đó không thể tránh khỏi tình trạng ý kiến trùng lặp.Mặt khác, phải chăng chúng ta đã nghiên cứu đầy đủ về Nguyễn Đình Chiểu? Bao  nhiêu tư liệu đã được phát hiện cả rồi ư? Hay là chúng ta mới chỉ bàn nhiều về một số khía cạnh, bỏ qua đi nhiều khía cạnh khác không kém quan trọng, gây ra tình trạng là nghiên cứu vừa thừa quả lại vừa thiếu quá? Bởi vậy việc tìm hiểu xem vấn đề Nguyễn Đình Chiểu đã được nghiên cứu tới đâu, cần phải được nghiên cứu như thế nào, có ích lợi về hai phương diện. Nó sẽ gợi ra phương hướng mới để tìm tòi về nhà thơ; nó sẽ giúp chúng ta suy nghĩ về  phương pháp nghiên cứu một tác giả lớn sao cho có nhiều hiệu quả khoa học nhất. Dưới đây, chúng tôi chỉ có một vài suy nghĩ để gợi ý mà thôi.

Căn cứ vào Thư mục và tư liệu về Nguyễn Đình Chiểu in trong tập Mấy vấn đề cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (Viện văn học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội; In lần thứ hai; 1969) thì trước Cách mạng tháng Tám, có 24 bài báo và công trình viết về Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra còn có nhiều tiểu luận, bài tựa, in trên đầu các tác phẩm của ông. Tất nhiên, chúng ta còn bỏ sót nhiều bài báo về Nguyễn Đình Chiểu, chưa ghi được vào Thư mục trên. Nhưng có phần chắc là những bài bị sót đó nếu có gì thật sự quan trọng thì cũng không ghê gớm lắm, vì không ai nhớ cả.

Từ sau Cách mạng tháng Tám đến tháng 2-1967, Thư mục cũng ghi được 39 bài báo và tiểu luận về Nguyễn Đình Chiểu trên miền Bắc... Có thể nói tất cả các công trình trên đều không phải là chuyên đề hoàn Chỉnh về Nguyễn Đình Chiểu. Vấn đề đặt ra là muốn nghiên cứu toàn diện Đồ Chiểu, phải chú ý đến những mặt nào; và đối với từng mặt một thì còn gì phải nghiên cứu?

Trước hết là việc tìm hiểu về mọi phương diện cuộc đời Đồ Chiểu. Việc này không chỉ giúp ta đánh giá chung về con người của ông mà con giúp ta hiểu và đánh giá được các sáng tác của ông một cách thấu đáo. Hơn nữa, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhà thơ mà còn là một thầy thuốc, một nhà giáo dục, tóm lại là một nhà tri thức nổi tiếng, cho nên tìm hiểu tiểu sử của ông bao gồm cả việc nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp của ông. Từ đó mới có đầy đủ tư liệu đi vào nghiên cứu sâu sáng tác của ông và học tập ông một cách có kết quả nhất về các phương diện.

Căn cứ vào các công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu mà tôi đã được đọc, một điều rất đáng tiếc là tiểu sử của Nguyễn Đình Chiểu, cho đến nay chưa được nghiên cứu bao nhiêu. Công trình nghiên cứu tương đối, rất tương đối, có nhiều sự kiện nhất về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là bài của Phan Văn Hùm in trên đầu tập Ngư Tiều vấn đáp y thuật (Tân Việt xuất bản ; Sài Gòn ; 1952). Nhưng trước Phan Văn Hùm, Mai Huỳnh Hoa đã ghi được khá nhiều sự kiện về nhà thơ (Tiểu sử cụ Đồ Chiểu; Tân Văn ; số 27 ; 16-2-1935 ; Sài Gòn).

Trước Cách mạng, có thể có nhiều bài báo giúp ta hiểu sâu thêm về Nguyễn Đình Chiểu một ít, mà hiện nay chúng ta chưa tìm ra được, nhưng từ sau Cách mạng đến nay, sự hiểu biết về tiểu sử Đồ Chiểu không vượt quá những tài liệu Mai Huỳnh Hoa và Phan Văn Hùm đã cung cấp, là bao nhiêu.

Phan Văn Hùm nghiên cứu tiểu sử Đồ Chiểu, chủ yếu dựa vào Mai Huỳnh Hoa nhưng ông ta nói rằng đã dựa vào tập Nguyễn chi thế phả, " và chép theo lời của ông Nguyễn Đình Chiêm đã thuật " cho nghe, ngoài ra cũng căn cứ vào một vài tài liệu khác, như tài liệu của Trương Vĩnh Ký in trên đầu truyện Lục Vân Tiên năm 1889. Những sự kiện Phan Văn Hùm tìm ra, nói chung là có thể tin được. Phan Văn Hùm đã kiểm tra lại những điều mà Nguyễn Đình Chiêm, con Nguyễn Đình Chiểu cung cấp, bác bỏ một vài ý kiến sai. Nhưng có những điểm trong bài của Phan Văn Hùm khiến người ta còn phải đánh dấu hỏi. Thí dụ Phan Văn Hùm nói về việc Đồ Chiểu dạy học: " Học trò thường có vài trăm người, ngồi ra hai hàng tả hữu, nghe giảng, mỗi ngày từ sáng sớm năm giờ rưỡi, cho đến mười giờ trưa ". Có thể Đồ Chiểu dạy rất nhiều học trò, nhưng một lúc mà giảng cho "vài trăm người" nghe (nên nhớ là ông không thể có máy phóng thanh), lại giảng liên tục trong nhiều ngày và có thể là trong nhiều năm, thì đó là điều hơi quá sự thực.

Lại có những điều Mai Huỳnh Hoa đã nói nhưng Phan Văn Hùm thì viết lược đi, như việc tên chủ tỉnh Bến Tre mấy lần xin đến gặp Đồ Chiểu, mãi sau mới được ông tiếp chuyện.

Ngoài bài nghiên cứu trên của Phan Văn Hùm, hiện nay chúng ta được biết thêm một ít chi tiết nữa như sự liên hệ giữa Đồ Chiểu và Trương Định, Phan Văn Trị .. Nhưng muốn hiểu kỹ Đồ Chiểu, còn có những phương hướng sau đây cần phải khai thác.

Trước hết là sự nghiệp dạy học của ông, việc này hầu như từ trước tới nay chưa ai nghiên cứu. Chắc hẳn Nguyễn Đình Chiểu không dạy cho người ta học để thi đỗ làm quan, nhưng hàng bao nhiêu người đã được ông dạy dỗ những gì, theo phương pháp nào, những học trò tiêu biểu của ông là ai? Muốn đánh giá đúng ảnh hưởng của Đồ Chiểu trong trí thức và nhân dân miền Nam, để học tập ông, thì không thể bỏ qua những vấn đề này.

Việc ông làm thuốc hầu như cũng không được ta nghiên cứa thấu đáo. Chỉ mới có một hai bài nói ít nhiều tới vấn đề này thông qua việc đọc cuốn Ngư Tiều vấn đáp của ông, như bài của Liêu Kỳ Lộc đăng trên tạp chí Đông Y ; số 38; 7-1963.

Quan hệ giữa Nguyễn Đình Chiểu và Đốc binh Là, Trương Định, Phan Văn Trị như thế nào, việc này rất quan trọng, thế mà chúng ta chỉ mới biết một đôi nét, vấn đề vẫn hầu như còn nguyên vẹn, nghĩa là chưa được  khai thác bao nhiêu.

Gia đình Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có những nhân vật đặc biệt như bà mẹ ông, người em ông đi theo Đốc Binh và con gái ông: bà Sương Nguyệt Anh, người sáng lập tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, cũng được hiểu biết rất ít.

Ngoài ra, mọi sự kiện trong đời Nguyễn Đình Chiểu mới chỉ được biết một cách sơ lược. Do đó, chúng ta có thể khẳng định cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu chưa được nghiên cứu bao nhiêu. Phải chăng hiện nay đặt ra vấn đề này là quá muộn? Chúng tôi nghĩ rằng ta còn rất nhiều khả năng để tìm hiểu thấu đáo về tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu, thí dụ nghiên cứu các gia phả của họ Nguyễn hoặc của những họ có quan hệ với ông, tìm hiểu ông qua sách báo được xuất bản khi ông mới chết, sưu tầm và xác minh những truyền thuyết về ông còn lưu hành ở miền Nam v.v...

Hiện nay một số nhà tri thức lão thành như cụ Ca Văn Thỉnh còn nhớ rất nhiều về tiểu sử Đồ Chiểu nhưng chưa có dịp viết. Năm 1971, bọn ngụy quyền ở miền Nam cũng giả vờ kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu để ngụy trang bằng một nước sơn dân tộc giả hiệu cho việc chúng làm tay sai đê tiện của giặc Mỹ, nhưng nhiều nhà trí thức miền Nam đã nhân đó " gậy ông đập lưng ông", viết một số bài đề cao Nguyễn Đình Chiểu và các tri thức cách mạng nối chí Đồ Chiểu, đồng thời chống lại giặc Mỹ và tay sai. Có lẽ các nhà nghiên cứu văn học chân chính ở miền Nam hiện nay có nhiều khả năng tìm hiểu tại chỗ nhiều sự kiện về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, đóng góp vào phong trào chung, kế thừa di sản lớn lao của Đồ Chiểu.

Trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, có lẽ Lục Vân Tiên là được nghiên cứu nhiều nhất từ xưa đến nay, nhưng nói cho thật đúng thì mọi người mới chú ý nhiều đến việc phê bình cuốn truyện hơn là nghiên cứu phát hiện ra mọi tư liệu để có cơ sở phê bình, đánh giá một cách, thật sâu sắc và xác đáng. Ngoài Lục Vân Tiên thì các tác phẩm khác nói chung mới chỉ được phê bình qua loa. Có cuốn như Dương Từ — Hà Mậu mới chỉ được bàn tới một cách rất sơ lược.

Thời gian sáng tác, quá trình sáng tác từng tác phẩm và quá trình sửa chữa, kể từ Lục Vân Tiên trở đi, chưa được nghiên cứu kỹ. Lục Vân Tiên đã được xác định là sáng tác trước khi Pháp xâm lược Việt Nam. Nhưng khi đế quốc xâm lược miền Nam, chúng ta thấy dấu hiệu là cuốn truyện đã được — nếu không phải Nguyễn Đình Chiểu thì là ai đó — sửa chữa mục đích để chống đế quốc. Như đoạn Lục Vân Tiên phá giặc Ô Qua, bản Trương Vĩnh Ký ghi hai câu thơ tả viên nguyên soái Ô Qua như sau:

Lại thêm Cốt Đột nguyên nhung
Mắt hùm râu  đỏ tướng hung lạ lùng.

Nhưng bản Lục Vân Tiên do Nghiêm Liễn dịch ra tiếng Pháp, có in kèm theo bản tiếng Việt của nhà xuất bản Văn Minh mà Nguyễn Văn Tố đánh giá là " một trong những bản tốt nhất ", thì lại chữa bốn chữ "mắt hùm râu đỏ" thành " mắt thau tóc đỏ". Chỉ chữa có hai chữ thôi mà đủ biến giặc Ô Qua thành đế quốc Pháp xâm lược và tự nhiên Lục Vân Tiên có cả một đoạn dài chống  đế quốc! Chữa tài tình quá!  Nhiều câu thơ vụng về trong bản Trương Vĩnh Ký  cũng  đều được chữa lại trong bản Văn Minh. Do đó, khi phê bình nghệ thuật làm thơ của Đồ Chiểu thì phải so sánh, đối chiếu nhiều dị bản ; nếu không thì có khi Trương Vĩnh Ký ghi sai, nhưng ta lại chê Đồ Chiểu là viết vụng. Tôi không dựa vào uy tín của Nguyễn Văn Tố để cho rằng bản Văn Minh là tốt nhất. Nhưng tôi cũng không tán thành lắm việc lấy bản Trương Vĩnh Ký làm gốc, bởi lẽ khi Đồ Chiểu còn sống thì ông cũng không cho rằng bản in nào tốt nhất, chứng cớ là năm 1883, viên chủ tỉnh Bến-tre là Mi-sen Pông-sông (Michel Ponchoo) đã đề nghị ông chỉnh lý lại Lục Vân Tiên, căn cứ theo "một bản in của người Tàu", "rồi chỉ ra những câu thừa nên bỏ, những câu sai nên sữa và những câu bị bỏ đi nên thêm vào". Nhưng nhà thơ đã không đủ sức khỏe và thì giờ làm việc đó nữa.

Việc căn cứ vào bản dịch ra tiếng Pháp của Ô-ba-rê (Gabriel Aubaret) năm 1864, được coi là bản sớm nhất hiện còn, cũng gây  ra nhiều hiểu lầm. Ô-ba-rê tuyên bố rằng Lục Vân Tiên " chưa bao giờ được in thành sách " và nhờ có nhiều đoạn chép tay rời rạc nên truyện thơ ấy" đến ngày nay mới còn truyền lại. Phải tìm hỏi nhiều người bản xứ mới có thể sưu tầm được năm sáu bản chép tay ấy, rồi dựa vào đó mà xây dựng thành câu chuyện có đầu, có đuôi". Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu Lục Vân Tiên vẫn căn cứ vào câu nói dựng đứng đó của Ô-ba-rê để một là quy công cho Ô-ba-rê đã xây dựng nên văn bản Lục Vân Tiên, hai là cho rằng Lục Vân Tiên đã là một "sáng tác dân gian" không còn là sáng tác hẳn hoi của Đồ Chiểu .Nhưng thực ra, ông  "lãnh sự " quan tư kiêm " học giả " Ô-ba-rê chỉ dối trá để bịp đời, trước hết là bịp các bạn đọc người Pháp. Đã từ lâu Nguyễn Văn Tố vạch mặt nạ ngài bằng một đoạn văn lịch sự mà dữ dội: "Chẳng phải là tôi chê trách gì công việc của hai nhà bác học về Đông phương học là G. Ô-ba-rê và A. đê Mi-sen (Abel des Michels), nhưng xin phép được nhắc lại ở đây điều mà tôi đã nói ít ra là một lần, trên Kỷ yếu của Hội Tri tri: nhiệm vụ đầu tiên của một người dịch sách là chỉ ra bản In nào mình dịch theo. Quan tư Ô-ba-rê hình như có trước mắt một bản ln (Lục Vân Tiên) bằng chữ Nôm xuất bản ở Gia-định, và ông ta luôn luôn căn cứ vào bản nôm ấy để mà dịch. Ta có thể tán thành sự lựa chọn đó. Và một khi ông Ô-ba-rê đã tự hạn chế mình, không tự cho phép mình khai thác những văn bản hoặc có vẻ chính xác hơn, hoặc dễ hiểu hơn, thì ông cũng có quyền không viết thêm những chú thích, những chú thích ấy nêu ở các trường hợp khác thì rất cần thiết. Đã vậy thì mất gì mà ông không chịu viết một dòng để chỉ cho chúng ta rõ là ông đã dịch theo một bản in ở Gia-định?". (Tựa bản Lục Vân Tiên dịch ra tiếng Pháp của Nghiêm và Liễn; 1927).

Do chỗ Ô-ba-rê định bịp đời, không trung thực về học thuật mà hiện nay khá nhiều người còn lầm lẫn. Rất đáng tiếc là nhà học giả Nguyễn Văn Tố đáng kính của chúng ta đã chết ; không biết bản in Gia Định mà ông nói đó, có trước bản của Ô-ba-rê là thế nào? và căn cứ vào đâu mà ông cho rằng bản Văn Minh là một trong những bản tốt nhất? Và cả bản in "của người Tàu " mà Pông-sông nói đó là bản nào?

Tôi chỉ dẫn một thí dụ để chứng tỏ rằng tìm hiểu kỹ quá trình sáng tác và sửa chữa các tác phẩm,nghiên cứu mọi dị bản, sẽ phát hiện ra rất nhiều điều lý thú về tư tưởng và nghệ thuật Đồ Chiểu. Nhưng chúng ta chưa làm việc đó bao nhiêu. Thời gian sáng tác các tác phẩm khác ngoài Lục Vân Tiên, nói chung mới được đoán phỏng, như sau khi Trương Định chết (8-1864) thì chúng ta đoán rằng Văn tế và 12 bài thơ điếu Trương Định làm liền sau đó. Nhưng chưa có gì bảo đảm là 12 bài thơ ấy làm năm 1864. Ngư Tiều vấn đáp được đoán là sáng tác vào năm 1877. Nhưng có chắc không? Dù Nguyễn Đình Chiểu làm thơ rất dễ dàng, nhưng viết được một quyển rất dài như Ngư Tiều vấn đáp chắc hẳn không phải chỉ cần một, hai năm mà xong. Dương Từ—Hà Mậu được Phan Văn Hùm cho là sáng tác đồng  thời với Lục Văn Tiên, mọi người hiện nay đều chấp nhận ý kiến đó. Tuy vậy Dương Từ — Hà Mậu có nhiều đoạn được viết với một lối văn có nhiều ngụ ý khác hẳn Lục Vân Tiên. Lối văn ấy thường được dùng để đối phó với bọn cầm quyền mà nhà thơ căm ghét. Ngoài ra có một số đoạn ý kiến rất gần gũi với Ngư Tiều vấn đáp, mà có phần chắc Ngư Tiều vấn đáp được sáng tác sau khi đế quốc chiếm được toàn bộ Nam kỳ một thời gian. Chẳng hạn đoạn dưới đây trong Dương Từ — Hà Mậu:

Nước thời chia bốn năm phần,
Can qua chẳng biết mấy lần đánh nhau.
Trong thời gian nịnh dụm đầu,
Ngoài thời dua mị, đua cầu tham quan.

ý gần giống với đoạn dưới đây trong Ngư Tiều vấn đáp :

Thử coi trong cuộc nước non,
Bốn chia, năm xẻ, thon von dường nào.
Nhảy vòng phú quý lao xao,
Sớm tôi, tối chúa, ra vào gườm nhau...
Thêm bầy gian nịnh chen vai...

Những câu tiếp sau hai đoạn trên đều có nhiều ý gần giống nhau, có lẽ Dương Từ — Hà Mậu đã được Nguyễn Đình Chiểu sữa chữa khá nhiều để chống giặc xâm lược. Do đó, thời gian và quá trình sáng tác, sửa chữa từng tác phẩm còn là một vấn đề cần phải nghiên cứu thật kỹ, mới có căn cứ khoa học để hiểu tư tưởng và nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, theo quan điểm lịch sử, trong quá trình phát triển của nó một cách thật đúng đắn. Và trước hết cũng để hiểu kỹ được tác phẩm đã.

Về nguồn gốc từng tác phẩm thì từ Lục Vân Tiên trở đi vấn đề cũng chỉ mới được bàn tới ít nhiều. Như trước kia người ta đã cãi nhau không biết có phải Lục Vân Tiên được viết theo một cuốn truyện (tiểu thuyết nào đó là Tây minh hay không. Trần Nghĩa đã viết một bài chứng minh Trung Quốc chỉ có một cuốn Tây Minh, sách lý luận về nhân nghĩa đạo đức, triết học của Trương Tái, không phải là tiểu thuyết, và Lục Vân Tiên hoàn toàn là sáng  tác của Nguyễn Đình Chiểu (Tạp chí văn học; số 1; 7-1963), không viết theo ai. Nhưng vấn đề như thế cũng mới chỉ được giải quyết một ít. Cái lô-gich của đoạn đầu trong Lục Vân Tiên có thể là: nhân đọc Tây Minh (của Trương Tái), Nguyễn Đình Chiểu suy nghĩ về cuộc đời với nhân tính éo le, rồi từ đó viết ra, sáng tác ra Lục Vân Tiên... có lẽ " truyện " theo Nguyễn Đình Chiểu không có nghĩa là " tiểu thuyết", mà là một thứ sách báo về nghĩa lý của các " kinh ".

Hai nữa, Ngư Tiều vấn đáp chứng tỏ Nguyễn Đình Chiểu có biết đến Tây Minh của Trương Tái và có dẫn một câu trong Tây minh. Như vậy Lục Vân Tiên không viết theo một cuốn "tiểu thuyết "nào gọi là Tây Minh, vấn đề ấy chắc đã sáng rõ. Nhưng nếu bàn về nguồn gốc Lục Vân Tiên thì không thể chỉ dừng lại ở đó mà phải thấy rằng Nguyễn Đình Chiểu cũng đã chịu ảnh hưởng của nhiều cuốn tiểu thuyết và sử Trung Quốc.

Thí dụ ông thầy học Lục Vân Tiên giống như ông thầy dạy Tôn Tẫn, Bàng Quyên trong sử ký của Tu Mã Thiên và trong Đông Chu liệt quốc, có điều ở đây Nguyễn Đình Chiểu đã bỏ vai Bàng Quyên. Bộ ba Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh làm ta nhớ đến bộ ba Lưu, Quan, Trương trong Tam quốc chí. Nhưng nếu Tử Trực có một nét gì đó giống Quan Vân Trường, nhất là ở đoạn Tử Trực mắng bố Võ Thể Loan làm chúng ta nhớ đến đoạn Vân Trường mắng người định kết nghĩa anh em với mình, lại muốn đem chị dâu góa chồng gả cho mình, và Hớn Minh có một nét gi đó giống Trương Phi, thì Vân Tiên không phải là Lưu Bị mà lại có một nét gì đó bề ngoài giống như Tam quốc chí đã tả Mã Siêu :

Vân Tiên đầu đội kim khôi,
Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô.

Và nếu không có các truyện và kịch về Chiêu quân cống Hồ và có Nhị độ mai thì làm sao có chuyện Nguyệt Nga cống Phiên?... Ngoài ra nhiều vở tuồng cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến việc sáng tác Lục Vân Tiên. Tất nhiên bấy nhiêu ảnh hưởng tuyệt đối không làm giảm giá trị sáng tạo của Lục Vân Tiên, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu để biết Nguyễn Đình Chiểu đã kế thừa văn học cũ một cách sáng tạo như thế nào. Bên cạnh ảnh hưởng của sách vở, còn phải kể đến ảnh hưởng nhiều mặt của văn học dân gian, và nhất là phải chú ý đến chỗ cuộc sống thực và nhiều sự kiện trong đời Nguyễn Đình Chiểu đã ùa vào Lục Vân Tiên như thế nào... Những vấn đề ấy chỉ mới được bàn qua. Do đó vấn đề nguồn gốc Lục Vân Tiên coi như chưa được đi sâu và giải quyết thấu đáo. Các tác phẩm khác lại càng chưa được nghiên cứu kỹ về mặt này.

Cuộc sống, hiện thực, ở những mảng và thời gian nào đó gắn bó thật chặt chẽ vời nội dung phản ánh của các tác phẩm, nếu được nghiên cứu một cách thấu đáo, có những sự kiện và con người cụ thể, có thật, làm dẫn chứng xác đáng, thì mới có căn cứ đề hiểu sâu nội dung và hình thức các tác phẩm. Nhưng chỉ có một ít trường hợp mà các nhà nghiên cứu tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu có chú ý đến hiện thực để hiểu một tình tiết, chi tiết nào đó của sáng tác như việc Nguyễn Đình Chiểu bị mù có liên quan đến việc ông tả nhân vật Lục Vân Tiên bị mù, như một số chi tiết về Trương Định trong bài văn tế và 12 bài thơ khóc Trương Định,v.v..

Ngoài ra, nhiều lúc chúng ta mới chỉ suy luận về hiện thực, về xã hội miền Nam, con người miền Nam một cách chung chung khi phân tích một nhân vật, một tác phẩm nào đó của Đồ Chiểu. Nghiên cứu tư tưởng của từng tác phẩm một, nhất là những tác phẩm dài, viết trong nhiều năm, hoặc tác phẩm đã sửa chữa nhiều lần, cũng không phải là một vấn đề đơn giản. Số phận của các tác phẩm vẫn chưa được nghiên cứu sâu. Ảnh hưởng của Lục Vân Tiên hết sức lớn lao, nhưng mới chỉ được nghiên cứu rất sơ lược, chung chung, với một vài hiện tượng về " nói Vân Tiên" v.v...

Chúng ta cũng chưa mô tả được số phận bị đọa đầy của nhiều sáng tác yêu nước mà trước Cách mạng đế quốc ngăn cản không cho xuất bản.

Chỉ sau khi phân tích và đánh giá cặn kẽ các mặt từng sáng tác một thì chúng ta mới có căn cứ khoa học để nghiên cứu tổng hợp toàn bộ sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, phân chia ra thành từng thời kỳ sáng tác. Nếu không làm được như thế thì không có đầy đủ điều kiện chắc chắn để tìm hiểu quá trình phát triển của tư tưởng  và nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu. Bởi lẽ, mỗi sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đều chưa được nghiên cứu sâu như trên chúng tôi đã nói, thậm chí có sáng tác bây giờ mới được bàn tới một cách sơ lược như Dương Từ — Hà Mậu, một tác phẩm rất quan trọng, cho nên việc phân chia các giai đoạn sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu mới làm được một cách hết sức đại khái.

Lại cũng vì lẽ trên mà các bài nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu thường nghiên cứu chung chung về tư tưởng của ông theo lô-gích hình thức, coi tư tưởng ông gần như nhất thành bất biến. Thành quả nghiên cứu lớn về mặt này là đã nhấn mạnh một cách xác đáng đến tư tưởng nhân nghĩa, lòng yêu nước, yêu dân của Nguyễn Đình Chiểu, tư tưởng chống đế quốc và một phần nào chống phong kiến của ông.

Những điểm ấy rất đúng, nhưng trong mỗi thời kỳ sáng tác thì về mặt đồng đại, hệ thống tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu về nhân sinh quan, về kinh tế, chính trị, văn hóa. v.v... là thế nào, cái gì là lõi cốt,là chủ yếu, chúng ta chưa chứng minh được một cách thật khoa học. Trải qua các giai đoạn sáng tác thì về mặt lịch đại, hộ thống tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu nói trên ở các mặt chính và thứ, đã trải qua một quá trình phát triển như thế nào, chúng ta cũng chưa nghiên cứu cho ra được.

Nhiều nhà nghiên cứu coi Lục Vân Tiên là một giai đoạn sáng tác, còn nhiều sáng tác khác viết sau khi đế quốc xâm lược chỉ được nghiên cứu chung, coi như không có biến chuyển gì về tư tưởng yêu nước yêu dân cả, lúc nào Nguyễn Đình Chiểu cũng nghĩ như thế. Thế mà, ngay trong một tác phẩm được viết trong một thời gian dài, hoặc đã được sữa chữa, thì chúng ta cũng có thể thấy tư tưởng tác giả có thay đổi. Nói chung, việc nghiên cứu tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu còn đang ở giai đoạn phân tích dần các mặt, chưa được tổng hợp một cách thật khoa học, việc nghiên cứu lại thiên về " tĩnh " hơn là " động ".

Nếu chỉ đi vào một tư tưởng chính trị như tư tưởng trung quân của ông, chúng ta cũng đã thấy nhiều biến chuyển rất đáng chú ý. Trong Lục Vân Tiên, có nhiều đoạn chứng tỏ Nguyễn Đình Chiểu tuy đề cao trung, hiếu, nhưng vẫn đứng về phía nhân dân mà đả kích các vua chúa tàn, ác, như đoạn nhân vật ông Quán nói về hai lẽ ghét, thương. Nguyễn Đình Chiểu ghét nhất " ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm " là ghét các vua chúa tàn ác, hại dân. Có nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Đình Chiểu muốn đả kích các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức... Nhưng nhân vật vua trong Lục Vân Tiên thì lại rất tốt, tư tưởng trung quân được đề cao. Và sau khi đế quốc xâm lược miền Nam, thì Nguyễn Đình Chiểu nhiều lúc lại tỏ ra vẫn rất tôn kính và còn hy vọng ít nhiều ở vua nhà Nguyễn :

Người dễ muốn chi nương đất khách,
Trời đà khiến vậy mến vua ta...
(Từ biệt cố nhân)
Chừng nào Thánh để ơn soi thấu,
Một trận mưa nhuần rửa núi sông...
(Xúc cảnh : Ngư Tiều vấn đáp)

Như vậy mà cho rằng Nguyễn Đình Chiểu khi viết Lục Vân Tiên có ý đả kích các vua nhà Nguyễn thì thật thiếu căn cứ. Nhưng ông vẫn tôn trọng vua mà vẫn tán thành Trương Định khi Trương Định chống lại lệnh triều đình, phất cờ khởi nghĩa đánh đế quốc xâm lược. Đôi lúc ông lại có ý oán vua. Đến một lúc nào đó (cần xác định) ông đã nhìn ra nguyên nhân của việc mất nước chính là do vua quan nhà Nguyễn và ông lên án bọn phong kiến, bọn đế quốc một cách hùng hồn, đanh thép:

Thử coi trong cuộc nước non,
Bốn chia, năm xé, thon von dường nào.
Nhảy vòng phú quý lao xao,
Sớm tôi ,tối chúa, ra vào gườm nhau.
Muôn dân ép ráo mỡ dầu,
Ngày trau khí giới, tháng xâu điện, đài.
Thêm  bầy gian nịch chen vai
Gây nên mọi rợ từ ngoài lấn trong...
           (Ngư Tiều vấn đáp)

Nguyễn Đình Chiểu thường gọi đế quốc là " man di" ,"mọi rợ" rất tanh hôi, rất dã man, trong khi chúng vỗ ngực  tự xưng là " văn minh ", đi " khai hỏa " cho các dân tộc lạc hậu. Và khi làm một bài "thơ sấm "trong Ngư Tiều vấn đáp để tỏ hy vọng về tương lai, ông đã nghĩ đến việc thay đổi triều đại:

Năm quý đua cờ pháo ngựa qua
Hai vua một gánh gửi vai bà...
Bao giờ nhật nguyệt vầy gương sáng,
Bốn biển âu ca hiệp một nhà...

Câu thứ hai của bài  " thơ sấm " có ý nói về điển tích bà mẹ Triệu Khuông Dẫn gánh hai con nhỏ sau đều làm vua, và Triệu Khuông Dẫn sáng lập ra nhà Tống. Điều ấy chứng tỏ Nguyễn Đình Chiểu tuy chưa thoát khỏi hệ ý thức phong kiến nhưng đã thay đổi ý kiến, hoàn toàn mất tin tưởng ở vua quan nhà Nguyễn, và hy vọng rằng có một triều đại mới nổi lên chống cả nhà Nguyễn lẫn đế quốc thì mới cứu được nước. Như thế là tư tưởng có biến chuyển ngay trong một tác phẩm dài, viết và sửa chữa trong nhiều năm.

Nhân tiện xin kể một chuyện vui về bài "thơ sấm" trên của Nguyễn Đình Chiểu. Có người tán là Nguyễn Đình Chiểu đã " tiên đoán " được rằng đến thời đại Hồ Chí Minh thì sẽ thống nhất được đất nước vì "nhật nguyệt vầy gương sáng"  tức là chữ Minh. Đúng là do có Bác Hồ mà chúng ta sẽ thống nhất được Tổ quốc, đuổi được giặc Mỹ; nhưng việc tán " thơ sấm " của Đồ Chiểu chẳng qua là câu chuyện nói cho vui. Chúng ta nào phải các tín đồ của "sấm Trạng Trình"! Thực ra thì Đồ Chiểu nhiều khi cũng thích trào phúng, nên làm bài thơ trên, gọi là " thơ sấm ", và lại viết thêm rằng: Ý trong bài sấm sâu xa, Ta từng phân giải chẳng ra lẽ gì chẳng qua là đề tỏ bày hy vọng sẽ có một triều đại mới lên đánh đuổi được đế quốc làm cho Nam Kỳ được giải phóng, nước được thống nhất, thế thôi!

Trên đây tôi chỉ dẫn sơ lược một thí dụ để chứng tỏ việc tìm hiểu quả trình phát triển của hệ thống tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu về phần lõi cốt và về các mặt khác, rất quan trọng. Thí dụ ấy nói về tư tưởng trung quân, một khía cạnh nhỏ, không phải là vấn đề lõi cốt, trong quan điểm chính trị của Đồ Chiểu. Việc tìm hiểu hệ thống tư tưởng của Đồ Chiểu cũng quan trọng không kém, không thể làm một cách tùy tiện như khi thi bắt đầu bằng cách nghiên cứu quan điểm Nho giáo của ông, khi thì xuất phát từ tư tưởng nhân nghĩa, khi thì xuất phát từ lòng yêu nước. Nói chung, phần chủ yếu trong hệ thống tư tưởng của một người là nhân sinh quan, quan điểm kinh tế, quan điểm chính trị. Các mặt khác chỉ là thứ yếu. Đồ Chiểu có rất nhiều ý kiến về kinh tế như quan niệm của ông về sĩ, nông, công, thương, về sưu thuế, về nhà giàu phải sẻ của cho nhà nghèo, nhưng cho đến nay tuyệt đối không có ai nghiên cứu phần rất quan trọng ấy trong tư tưởng ông cả. Nhưng công việc nghiên cứu thật sự sâu sắc tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu (cũng như nghiên cứu các mặt khác trong di sản văn hóa, văn học ông để lại) không thể tiến hành một cách vội vã, thiếu sự phân tích kỹ các mặt  ông già đó buộc chúng ta phải suy nghĩ về biết bao nhiêu vấn đề về lịch sử xã hội về văn hóa, văn học của dân tộc ta trong quá khứ, trong thế kỷ thứ XIX và từ bấy đến nay !

Phân tích chưa kỹ, chưa đủ rồi tổng kết vội vã, nhất định chỉ để ra những bài hời hợt. Tất nhiên tôi không dám nói tới nhiều bài đã có vừa ngắn gọn, vừa sâu sắc, nói ngay được những điều chính yếu về tác giả. Dù sao những bài đó không thể thay thế cho các công trình nghiên cứu khoa học được.

Về nghệ thuật làm thơ, viết truyện của ông, chúng ta cũng còn nghiên cứu ít quá. ông có nhiều nhược điểm về nghệ thuật (như tất cả các nhà văn lớn đều có nhược điểm này, khác) ai cũng rõ, nhưng chưa được phân tích sâu; mặt khác, ông lại có biết bao nhiêu đặc sắc trong nghệ thuật làm thơ, viết truyện khiến cho nhân dân hết sức thích thú. Thí dụ, thử hỏi trước Nguyễn Đình Chiểu, ta đã có một cuốn truyện thơ nào xây dựng được một nhân vật anh hùng có sức sống mãi như Lục Vân Tiên, không kể các truyện dân gian như Ông Dóng, Thạch Sanh? Nguyễn Đình Chiểu tả tình yêu thì hơi vụng, bằng sao được Nguyễn Du. Có lẽ vì trong cuộc sống thực, ông không "xông xáo " như Nguyễn Du; nhưng ông tả lòng chung thủy sao mà thấm thía sâu xa đến thế! Lại có một cốt truyện nào hấp dẫn như Lục Vân Tiên? Ngay từ trang đầu, khi tả thầy trò Vân Tiên từ biệt nhau, Đồ Chiểu đã dẫn dắt các tình tiết một cách thật linh hoạt. Lối kể chuyện trong Lục Vân Tiên có rất nhiều sáng tạo khác với tất cả các truyện nôm khác, kể cả Truyện  Kiều. Nguyễn Đình Chiểu còn đổi mới cách viết truyện thơ như xen vào truyện thơ lục bát, các bài thơ luật, và các bài " thơ mới " bắt nguồn từ dân ca miền Nam chỉ gồm các câu "song thất " nối liền nhau chứ không có câu "lục bát ":

Nước vẩn quanh, bầy kình rẽ bạn.
      Thấy anh hùng hoạn nạn khá thương.
Chiếc thuyền câu đậu đâu nên đó,
Nước ly loàn giàu có màng chi.

(Dương Từ — Hà Mậu)

Lại có những đoạn thơ lục bát rất dài cố tình viết điệp vần chứng tỏ Nguyễn Đình Chiểu rất sành về âm điệu :

Bốn người họa xướng thơ rồi

Thứ này Đạo Dẫn phản hồi Đông Thanh.
Dẫn rằng: Bên quán Đông Thanh
Ngày mai đã đến giờ lành luyện đan !
Ta xin về chốn luyện đan,
Ngư, Tiều, ngươi phải theo Đường Nhập Môn.
Hai người nay được Nhập Môn
Theo nhau cho trọn một phồn nho y
Phần ta theo việc tiên y...

Nguyễn Đình Chiểu viết truyện thơ xã hội, truyện thơ triết học và cả truyện thơ khoa học nữa với một nghệ thuật cao. Đã có ông Trạng nào viết được như thế? Thơ Nguyễn Đình Chiểu rất ngọt ngào, giàu nhạc. Nguỵễn Đình Chiểu còn là một nhà thơ trào phúng khi ví bọn đế quốc như lũ dê, khi lên án bọn lang băm trong nhiều cảnh xử án cuối truyện Ngư Tiều vấn đáp. Văn Nguyễn Đình Chiểu nhiều khi có những hình ảnh rất phong phú, gây xúc động thật mạnh, chỉ có thể thấy ở những thiên tài như Đăng-tơ :


                       An Hà quận đang khi bạch trú, gió cây vụt thổi, cát xoáy bay, con trốt dậy bên thành.
                     Long Tường giang mỗi lúc hoàng hôn, khói nước xông mù, lửa đóm nhoáng , binh ma chèo dưới vực
.
                                                                                                                 (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục -tỉnh)

Tôi chỉ dẫn một vài thí dụ nhỏ để chứng tỏ rằng chúng ta chưa tìm hiểu được bao nhiêu về quan điểm nghệ thuật và nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, một nhà văn, nhà thơ có mặt yếu, nhưng rất độc đáo, không chịu " viết tòng cổ thi" bắt chước ai, và lại có những sáng tạo thật lớn lao.

Tóm lại, từ xưa tới nay chúng ta mới tìm hiểu được rất ít về Nguyễn Đình Chiểu mà đã thấy ông là một nhà thơ yêu nước thật lớn, " một vì sao có ánh sáng khác thường" ," và càng ngày càng thấy sáng ". Nếu chúng ta chịu tìm hiểu ông một cách có phương pháp, sẽ thấy được ngôi sao ấy sáng đến mức nào. " Nguyễn Đình Chiểu học " thực sự mới ở bước đầu. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, Tạp chí văn học cho đăng một số bài có những tìm tòi mới về nhà thơ. Nhưng bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu, chúng tôi thấy vấn đề Nguyễn Đình Chiểu thật lớn quá, ta còn phải mất rất nhiều công phu nữa mới mong tiếp thu được hết cái gia tài văn học mà nhà thơ yêu quý để lại cho nhân dân ta.