Mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

 

Giữa lúc quân và dân miền Nam đang liên tục tiến công "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", quân và dân miền Bắc đang đập tan từng bước leo thang giãy chết của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, ngày 4-7-1972, tại thủ đô Hà Nội, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ văn hóa và Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, phối hợp với Ủy ban thống nhất, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, đã tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu.

Hội trường cuộc mít tinh được trang hoàng rực rỡ. Trên nền vải xanh nhạt, nổi bật hàng chữ vàng chói lọi : " Kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu  1-7-1822—1-7-1972 ".

Đại diện các cơ quan đoàn thể, các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, phóng viên các báo và đài phát thanh... đã đến dự. Đoàn chủ tịch cuộc mít tinh có các đồng chí : Trường Chinh, Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội; Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng; Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn Hóa ; Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội ; Nguyễn Thọ Chân, Phó trưởng Ban thống nhất Trung ương; Nguyễn Đình Thi, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ Huy Cận, Tế Hanh, Bảo Định Giang, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Thép Mới.

Ông Nguyễn Phú Soại, quyền Trưởng đoàn đại diện đặc biệt cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã tham gia Đoàn chủ tịch cuộc mít tinh.

Đồng chí Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa, một người đã từng hoạt động cách mạng nhiều năm ở miền Nam, đã đọc diễn văn nêu bật bài học sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ yêu nước lớn Nguyễn Đình Chiểu. Nội dung bài diễn văn rút từ bài nghiên cứu công phu về Nguyễn Đình Chiểu, của đồng chí Hà Huy Giáp đăng trong Tạp chí văn học số này.

Những người dự mít tinh đã nhiều lần vỗ tay vang dội, nhiệt liệt hoan nghênh bài diễn văn của đồng chí Hà Huy Giáp. Buổi mít tinh kết thúc trong không khí phẫn khởi, lạc quan ; tự hào về truyền thống quá khứ và tin tưởng ở tiền đồ cực kỳ sáng lạn của dân tộc. 

Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và các cuộc hội nghị khoa học kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu.

Tháng 6 năm 1972, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội, đã triệu tập một cuộc hội nghị gồm các đồng chí lãnh đạo của Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Ngôn ngữ, Ban Hán — Nôm, Thư viện Khoa học Xã hội và nhiều nhà nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu trong các tổ chức của Ủy ban đề thảo luận về việc kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu. Sau lời khai mạc của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, các đồng chí Vũ Đức Phúc, Phạm Thiều, Đặng Vũ Khiêu đã phát biểu ý kiến, nhấn mạnh vào các điểm Trần Nghĩa nêu một số nhận xét chung quanh việc xuất bản và tái bản tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu trên miền Bắc nước ta trong những năm gần đây, v.v...

Tổng kết cuộc tọa đàm, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn nêu lên sự thành công tốt đẹp của Hội nghị, nhận định rằng việc nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu đã được bắt đầu tiến hành với một phương pháp thực sự khoa học. Đồng chí cũng vạch ra phương hướng cho công tác Nguyễn Đình Chiểu học trong thời gian tới. Báo chí Đài phát thanh, các trường đại học hoạt động kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu. Thi hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của dân tộc, (xem toàn văn bản chỉ thị đăng trên Tạp chí văn học số này), các cơ quan báo chí và đài phát thanh, các trường đại học đã có những hoạt động sôi nổi.

Báo Nhân dân, cơ quan trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, số 6647, ra ngày 5-7-1972 đăng bài tường thuật cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu cùng với toàn văn bài diễn văn quan trọng của đồng chí Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Bài diễn văn nói về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, nêu lên những bài học lớn mà nhà thơ đã để lại cho chúng ta. Tạp chí Học tập, tạp chí lý luận chính trị của Đảng Lao động Việt Nam, số 7, năm 1972 đăng bài viết của Bảo Định Giang. Tác giả đã nhìn Nguyễn Đình Chiểu như Một ngòi bút lớn, một tấm gương lớn. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam có một kế hoạch khá lớn để kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài việc tổ chức các Hội nghị Khoa học, cho in một số công trình nghiên cứu, báo chí của tất cả các viện thuộc Ủy ban còn đăng nhiều bài về Nguyễn Đình Chiểu.

Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam dành trọn hai buổi để tường thuật thu thanh tỉ mỉ cuộc mít tinh trọng thể nói ở trên. Ngoài ra Đài còn giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu trong nhiều buổi phát thanh khác.

Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp cũng như nhiều khoa Văn của các trường Đại học khác, tại địa điểm sơ tán, có tổ chức tọa đàm, sinh hoạt học thuật, nói chuyện, báo cáo, chuyên đề... về Nguyễn Đình Chiểu.

Nhiều bài viết công phu, có giá trị của các nhà nghiên cứu văn học, sử học, triết học, các nhà văn, nhà thơ... từng quen biết được lần lượt công bố trên các tạp chí, các tuần báo, báo hằng ngày, trên các tập san, chuyên san, nội san, v.v...

Tạp chí văn học, cơ quan nghiên cứu lý luận văn học của Viện văn học, ra số đặc biệt về Nguyễn Đình Chiểu. Tạp chí đã đăng hai bài nghiên cứu sâu sắc và súc tích về nhà thơ của đồng chí Hà Huy Giáp và đồng chí Nguyễn Khánh Toàn. Bài của đồng chí Hà Huy Giáp mở rộng thêm nhiều ý kiến của bài diễn văn đọc trước cuộc mít tinh nói trên và đăng trên báo Nhân dân; ngoài ra đồng chí Hà Huy Giáp cũng phân tích kỹ và sâu một số điểm khác. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, thay mặt Ủy ban, nhấn mạnh vào lòng yêu dân, yêu nước, tinh thần chiến đấu, tinh thần lạc quan, ý chí đấu tranh chống đế quốc xâm lược đến cùng của nhà tri thức và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tiếp đó, Tạp chí cho đăng một loạt bài có những khám phá và phát hiện mới về Nguyễn Đình Chiểu. Qua những bài được đăng trên Tạp chí, bạn đọc sẽ thấy vấn đề nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu là một vấn đề thật lớn, chúng ta còn phải ra sức tìm tòi biết bao nhiêu mặt khác chưa được nghiên cứu về nhà thơ, đồng thời tránh việc nghiên cứu trùng lặp. Đặc biệt chúng tôi lưu ý bạn đọc đến bài của nhà nghiên cứu lão thành Ca Văn Thỉnh, người hiểu biết sâu sắc về văn học miền Nam và Đồ Chiểu.

Trên tạp chí Tác phẩm mới số tháng 7 - 8 năm 1972, nhà thơ Xuân Diệu cho đăng tiểu luận Đọc lại thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả dành nhiều trang để phân tích tác phẩm Lục Vân  Tiên, phân tích thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của nhân dân miền Nam.

Tạp chí Văn nghệ quân đội , số 7 - 1972, đăng bài của Nguyễn Huệ Chi. Người viết nhấn mạnh rằng ở Nguyễn Đình Chiểu, cuộc đời và thơ văn hoàn toàn thống nhất. Và con đường thơ của Nguyễn Đình Chiểu, chung quy là con đường không ngừng chiến đấu. 

Báo Văn nghệ, số 455, ra ngày 30-6-1972, đăng một số bài viết về Nguyễn Đình Chiểu. Trong bài Ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trong văn học Việt Nam, Vũ Khiêu đã nhìn Nguyễn Đình Chiểu như một nhà tri thức toàn diện, đạt được các đỉnh cao nhất của thời đại mình, một người sống cùng với nhân dân, vui buồn, căm giận cùng với nhân dân.

Qua thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt là qua 3 bài văn tế : Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh cùng những bài thơ điếu Trương Định và Phan Tòng, Vũ Đình Liên trong bài Nguyền Đình Chiểu với quan niệm trường kỳ kháng chiến chứng minh rằng Nguyễn Đình Chiểu cố một quan niệm rõ ràng về cuộc chiến đấu của nhân dân chống giặc ngoại xâm, cuộc chiến đấu ấy phải trường kỳ và nhất định thắng.

Ở mục " Sổ tay người yêu thơ " Hoài Thanh cho rằng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một trong những bài văn hay nhất của Văn học Việt Nam. Chuyên san Thông báo Triết học của Viện Triết học (số 24 - 1972) đã đăng sớm nhiều bài về Nguyễn Đình Chiểu. Bài Người tri thức Việt Nam trước vận mệnh của dân tộc của Vũ Khiêu muốn nhìn Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là một người trí thức ; qua cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu, qua tư tưởng và hành động của ông, nhà tri thức chân chính, Vũ Khiêu kết luận : " Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng mãi cho mọi người trí thức Việt Nam". Bùi Đăng Duy trong bài kế theo : Tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ (1860) đã phân tích tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu và các nhà yêu nước, phân tích thuyết "chính khí" (người dân Việt Nam) chống lại " tà khí " (thực dân Pháp và bọn tay sai) theo quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu, nói lên sức mạnh và sự hạn chế của tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu và các sĩ phu đương thời. Nguyễn Đức Sự thì tìm hiểu Quan điểm triết học trong y học và chủ nghĩa yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.

Tác giả cho rằng trong di sản tinh thần quý báu mà Nguyễn Đình Chiểu để lại cho chúng ta, có cả những kiến giải về y học, và qua những kiến giải đó, nhà thơ lớn đã bộc lộ rõ ràng quan điểm triết học của mình. Chương Thâu đã điểm lại một số bài viết về Nguyễn Đình Chiểu trên các báo chí xuất bản ở Sài Gòn trong khoảng 10 năm nay.

Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 143 (tháng 3 - 4-1972), đăng bài Nguyễn Đình Chiểu, một nhà trí thức yêu nước nồng nàn, một nhà thơ lỗi lạc cua dân tộc Việt Nam của Văn Tân ; số 145 (tháng 7 — 8-1972) đăng bài thử xác định nguồn gốc và quá trình hình thành chủ nghĩa anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu của Nguyễn Đổng Chi. Bằng quan niệm lịch sử, tác giả đã phân tích những yếu tố hợp thành và các giai đoạn tiến triển của quan niệm anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra, trên các báo Thống nhất, Quân đội nhân dân, Cứu quốc ,Tiền phong... cũng đều có bài viết về Nguyễn Đình Chiểu.