Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là bài ca yêu nước và tự hào dân tộc.
Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ đầu tiên xây dựng thành công hình ảnh những người nông dân trong văn học Việt, đắp tô tượng đài vĩnh cửu về người anh hùng Nam Bộ tiên phong trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược.
Ông đề cao tư tưởng Nho gia, xem ra có vẻ bảo thủ. Song điều đáng chú ý là các tư tưởng ấy mang nội dung đạo nghĩa nhân dân, gắn chặt với ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, do đó có một ý nghĩa xã hội to lớn, khởi đầu chi một thời đai văn chương sử thi mới sau này.
Tóm lại, so với các trước tác của các nhà văn cùng thời, Nguyễn Đình Chiểu đã có một thái độ tích cực hơn, vì dân vì nước hơn. Tuy không đứng vào hàng ngũ cầm khí giới, nhưng ông rất có cảm tình với họ, chia sẻ với họ cái hờn mất nước, lòng căm ghét quân địch và bọn hợp tác...
Bài thơ “Chạy giặc” mở đầu cho dòng văn thơ yêu nước của dân tộc ta trong thế kỉ XIX. Nhà thơ đau cho nỗi đau của nhân dân lầm than khi “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây”; sôi sục căm thù tội ác tày trời của quân giặc cướp:
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ đàn chim dáo dát bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Ba bài văn tế đã dựng lên những hình tượng kì vĩ về người anh hùng đánh giặc Pháp xâm lược. Đó là Trương Công Định “Giúp đời dốc trọn trang nam tử”; mỗi thôn ấp, mỗi dòng kênh còn lưu giữ bao chiến tích hào hùng:
Trong Nam tên họ nổi như cồn,
Mấy trận Gò Công để tiếng đồn.
Dấu đạn hãy chìm tàu bạch quỷ,
Hơi gươm thêm rạng thẻ hoàng môn.
Đó là Phan Công Tòng xây đồn đắp luỹ đánh Pháp mấy năm dài, nêu cao lòng trung nghĩa và khí phách anh hùng, bất khuất:
-Viên đạn nghịch thần reo trước mặt,
Lưỡi gươm địch khái nắm trong tay.
-Tinh thần hai chữ phau sương tuyết,
Khí phách ngàn thu rỡ núi non.
“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là kiệt tác văn chương của Nguyễn Đình Chiểu để lại cho đời. Các nghĩa sĩ là những dân ấp, dân lân, “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Họ sống cuộc đời bình dị, cần lao “chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”. Lòng căm thù giặc như ngọn lửa ngùn ngụt bốc cao, họ quyết không dung tha quân cướp nước:
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ông khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ!
Chỉ có một lưỡi dao phay làm gươm, một gậy tầm vông làm giáo, “hoả mai đánh bằng rơm con cúi” thế mà các nghĩa sĩ đã “chém rớt đầu quan hai nọ”, đã “đốt xong nhà dạy đạo kia”, đã “đâm ngang chém ngược làm cho mã tà, ma ní hồn kinh!”
Khí phách của các nghĩa sĩ vô cùng hiên ngang lẫm liệt, sáng mãi đến ngàn thu: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, vong hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện đựơc trả thù kia”. Tượng đài người nghĩa sĩ mà nhà thơ dựng lên thật vô cùng bi tráng, vì đó là những anh hùng thất thế mà dũng mãnh, hiên ngang, “tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”.
Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã gieo vào lòng nhân dân ta một niềm tin chói sáng:
-Chừng nào Thánh đế ân soi thấu,
Một trận mưa nhuần rửa núi sông.
-Sau trời thúc quý tan mây,
Sông trong biển lặng, mắt thầy sáng ra.
-Bao giờ nhật nguyệt vầy gương sáng,
Bốn biển âu ca hiệp một nhà.