Về thăm lễ hội xứ dừa

“Lễ hội” là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng và xuất phát từ nhu cầu đời sống xã hội. Lễ hội diễn ra thường gắn liền với những phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống, môi trường văn hóa và đặc thù của địa phương đó.

 

So với cả nước, Bến Tre không có nhiều lễ hội lớn, song Bến Tre có những lễ hội tiêu biểu mang sắc thái riêng của vùng đất xứ dừa. Các lễ hội ở Bến Tre cứ “đến hẹn lại lên” và diễn ra rất hấp dẫn, không chỉ thu hút du khách thập phương đến đây tìm hiểu văn hóa - lịch sử, hay khám phá sinh thái - sông nước – miệt vườn, làng nghề, những công trình kiến trúc cổ… mà Bến Tre còn hấp dẫn, thu hút mọi người hàng năm đến đây để trải nghiệm với những lễ hội diễn ra rất đặc trưng.

 

Lễ hội Dừa năm 2009

Năm 2009, 2010, Bến Tre đã sáng tạo ra “Lễ hội Dừa”. Lễ hội này mang đặc trưng văn hóa của người và đất xứ dừa. "Lễ hội Dừa" hai năm tổ chức một lần và thường diễn vào tháng giêng, gắn kết với “Lễ hội truyền thống cách mạng 17/1” của Bến Tre. Đến vào dịp diễn ra "Lễ hội Dừa", du khách sẽ thưởng thức các chương trình đặc sắc như: Sân khấu hóa tái hiện sự hình thành, phát triển, đấu tranh và xây dựng vùng đất cù lao xứ dừa; hội làng nghề truyền thống; các hội thi, liên hoan về dừa; các gian hàng trưng bày các sản phẩm từ cây dừa, các giống dừa mới; tham quan, mua sắm hội chợ thương mại xuân hay “Tuần lễ Doanh nghiệp vừa và nhỏ”… Du khách được hòa mình vào không khí sôi nổi hào hứng của lễ hội với tất cả sự nhộn nhịp của một thành phố trẻ nằm bên sông Bến Tre.

Lễ hội Dừa năm 2010

 

Điểm nhấn của hai lần tổ chức "Lễ hội Dừa" là giới thiệu sản phẩm hàng hóa truyền thống của các làng nghề, cũng như tổ chức trình diễn sản xuất một số nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của tỉnh, như: thi chế biến và trưng bày các loại bánh, mứt, kẹo, các món ăn, thức uống chế biến từ dừa với sự tham gia của các nhà nông, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh; thi đấu xảo các sản phẩm từ dừa bao gồm các sản phẩm trồng trọt, làm hàng thủ công mỹ nghệ nhanh nhất, đẹp nhất (đan giỏ bằng cọng dừa, se chỉ, làm thảm sơ dừa), ...

“Lễ hội Dừa”, là dịp để tôn vinh những giá trị sáng tạo, những tài năng có tâm quyết của nghệ nhân và người thợ thủ công làm ra những sản phẩm từ cây dừa. Đây cũng là cơ hội để Bến Tre giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái, di tích và văn hóa lịch sử, đặc biệt là tiềm năng kinh tế qua các sản phẩm từ dừa; đồng thời còn là cơ hội để khách tham quan thưởng thức những món ngon, vật lạ ở Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hay xác nhận kỷ lục về những sản phẩm làm ra từ dừa.

 


Hình ảnh  trong lễ hội Dừa năm 2010

 

Kinh nghiệm qua 02 lần tổ chức “Lễ hội Dừa”, Bến Tre đã gặt hái được nhiều thành công và để lại ấn tượng cho du khách với các hoạt động truyền thống đặc sắc, đặc trưng của xứ dừa. Quan trọng hơn là để tiếp tục khẳng định cây dừa Bến Tre cần phải có vị trí trong danh mục cây công nghiệp quốc gia, Bến Tre mở rộng quy mô và nâng tầm “Lễ hội Dừa” thành “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” với chủ đề “Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển”, thông qua hệ thống các chương trình sự kiện, để tìm kiếm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường cho các sản phẩm dừa; tìm kiếm cơ hội đầu tư và giao lưu công nghệ chế biến sản xuất dừa... Qua đó nâng cao chuỗi giá trị toàn diện của cây dừa, truyền  thông điệp "Dừa, cây của tương lai" trên lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch xanh và môi trường.

“Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” diễn ra từ ngày 04/4/2012 – 10/4/2012 tại thành phố Bến Tre, có sự phối hợp tham gia của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có sản xuất các sản phẩm từ dừa và sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh dừa trong cộng đồng dừa Châu Á – Thái Bình Dương (APCC). Đặc sắc nhất là các chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện diễn ra mới lạ hơn so với hai lần "Lễ hội Dừa" trước đây, như: Lễ khai mạc quy mô hoành tráng với chủ đề “Tự hào xứ dừa Việt Nam”;  Hội chợ triển lãm các sản phẩm dừa và hội chợ thương mại tại khu Sao Mai; Nghệ thuật sắp đặt “Con đường dừa” và Liên hoan Ẩm thực xứ dừa lần thứ I”; “Chương trình tham quan các vườn dừa và các sản phẩm dừa”; Hội thảo, hội nghị “Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa”; Lễ tôn vinh “Người trồng dừa”; Lễ hội đường phố; Hội thi sáng tạo thủ công mỹ nghệ từ dừa; tuần lễ hoạt động văn hóa cộng đồng và giao lưu “Giai điệu xứ xừa”; Lễ bế mạc Festival Dừa với chủ đề “Vươn xa xứ dừa Việt Nam” và đăng quang “Người đẹp xứ dừa” lần X…

Ngoài Festival dừa Bến Tre lần III năm 2012, hàng năm tại Bến Tre còn diễn ra các lễ hội khác như: Vào tháng giêng, trên vùng đất cù lao Minh sẽ tham gia vào “Lễ hội truyền thống cách mạng” hay còn gọi là “Lễ hội Đồng Khởi” diễn ra vào 17/1 tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Các hoạt động “hội” gắn liền với “lễ”, như: liên hoan, hội thi, hội thao về văn nghệ, thể dục thể thao hay các trò chơi dân gian, truyền thống, hội chợ triển lãm, trưng bày hình ảnh,… Đây là dịp để quân dân Bến Tre ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng, đã làm nên phong trào Đồng Khởi vang dội khắp cả nước vào ngày 17/1/1960. Đây còn là dịp để du khách tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Bến Tre.

 

Hội chợ trái cây

 

Trên vùng đất Cù lao Minh, Chợ Lách là xứ sở nổi tiếng cả nước về cây lành trái ngọt, về sản xuất cây giống, cây cảnh và hoa kiểng. Vì thế, mà nơi đây đã hình thành nên “Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp” vào dịp tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âl) hàng năm. Ngày hội này được phát triển từ ngày hội dân gian, diễn ra trong 05 ngày. Các hoạt động diễn ra trong ngày hội với ý nghĩa thiết thực ghi nhớ công ơn những người đi trước, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng của các nhà nông trong tỉnh. Ngày hội còn diễn ra với nhiều nội dung phong phú như: trưng bày, giới thiệu sản phẩm, những thành tựu trong sản xuất, sinh vật lạ, chương trình hội thảo, hội thi trái ngon - an toàn, đấu xảo trái cây to-sai-lạ, hội thi bàn tay vàng ghép cây giống, hội thi hoa lan, đá chim nghệ thuật, trò chơi dân gian, hội chợ thương mại, lễ tạ ơn thần nông… Đến Chợ Lách vào dịp này du khách sẽ được chiêm ngưỡng, khám phá trọn vẹn những gì độc đáo “nhất” mà xứ sở này đã làm nên thương hiệu và trở thành địa chỉ quen thuộc cung cấp cây giống do người dân tự chiết cành, lai tạo lớn nhất Việt Nam; là xứ sở vườn cây trái ngon nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon… và các loại cây trái khác; là trung tâm sản xuất các loại cây cảnh, hoa kiểng từ những loại cây ngắn ngày đến các loại cây cổ thụ lâu năm, rất được ưa chuộng tại thị trường trong nước.