Bến Tre: Độc đáo lễ hội Nguyễn Đình Chiểu
Cụ Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 01/7/1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Thân sinh nhà thơ là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên là Thơ lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.
Lãnh đạo tỉnh và đông đảo nhân dân tưởng niệm Cụ
Năm 1843, ông thi đỗ tú tài ở Trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849), nhưng chưa kịp thi thì có tin mẹ mất. Trên đường trở về quê chịu tang mẹ, vì quá lo buồn, khóc thương khiến ông lâm trọng bệnh và mù cả hai mắt.
Về đến Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, ông tổ chức dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác thơ văn. Nhờ sống gắn bó với nhân dân, ông có điều kiện hiểu đồng bào của mình sâu sắc hơn. Chính trong thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác truyện thơ đầu tiên Lục Vân Tiên. Tác phẩm đề cập đến vấn đề đạo nghĩa ở đời, mang dấu ấn tự truyện đã được nhanh chóng phổ biến rộng rãi trong dân gian. Nhiều người dù không biết chữ nhưng vẫn đọc thuộc làu. Sau đó nghệ thuật “nói thơ Lục Vân Tiên” ra đời, hình thức này làm cho truyện Lục Vân Tiên thêm hấp dẫn và dễ đi vào lòng người. Một người học trò của ông là Lê Tăng Quýnh, vừa trọng nể tài năng và nhân cách, lại vừa thương cảm hoàn cảnh của thầy, đã đem gả người em gái là Lê Thị Điền cho ông. Ngày 17/02/1858, giặc Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác áng văn bất hủ "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" ngợi ca chiến công anh hùng của những người "dân ấp Dân Lân" trong trận tấn công đồn Tây Dương, mà người bạn đồng khoa với ông là Đỗ Trình Thoại đã hy sinh cùng với 7 nghĩa quân khác. Tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu trong đó có câu thơ nổi tiếng “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” cũng được sáng tác tại đây.
Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Mãi đến bây giờ vẫn chưa ai xác định được vì sao Cụ về đất Ba Tri? Có người cho rằng nơi đây là vùng đất đầm lầy xa giặc; cũng có người cho rằng nơi đây là nơi sinh ra vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ Lục tỉnh đó là Tiến sĩ Phan Thanh Giản. Có lẽ kết hợp những yếu tố trên mà Cụ mới về đất Ba Tri. Đầu tiên Cụ sống nhờ nhà một người bạn là ông nghè Long. Ít lâu sau, cụ cất được một ngôi nhà lá tại làng An Bình Đông (nay là Ô 2 thị trấn Ba Tri). Tại đây, Cụ tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến. Khi được tin Trương Định hy sinh (19/8/1864), nhà thơ xúc động, viết bài Văn tế và Mười hai bài thơ liên hoàn điếu người anh hùng. Mười bài thơ điếu Đốc binh Phan Tòng hy sinh trong trận Giồng Gạch (1868), người bạn bè thân thiết với Cụ, lời lẽ rất thống thiết, có những câu thơ tâm huyết như tạc vào đá: "Tinh thần hai chữ phau sương tuyết, khí phách ngàn thu rỡ núi non". Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Nổi bật là thiên hùng bút Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh. Đồng bào ở đây kể lại rằng chính ông đứng ra làm lễ tế những nghĩa sĩ Lục tỉnh ngay tại chợ Ba Tri. Khi đọc xong bài điếu, nước mắt chảy ràn rụa và ông lăn ra nằm bất tỉnh. Tác phẩm "Ngư tiều y thuật vấn đáp" được viết vào giai đoạn cuối đời với một niềm tâm sự sâu lắng, xót xa hơn trước cảnh đất nước bị giặc xâm chiếm, nhưng không hề tuyệt vọng. Bến Tre không phải là nơi sinh của nhà thơ, nhưng lại là nơi vinh hạnh được ông chọn để sống, hoạt động trong suốt 26 năm đầy biến cố phức tạp vào giai đoạn cuối đời và đã vĩnh viễn gửi xương cốt tại đây. Ngày 3 tháng 7 năm 1888, sau cơn bệnh nặng Cụ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Cái chết của Cụ đã để lại cho nhân dân niềm tiếc thương vô hạn, lớp lớp học trò, con cháu, bạn bè gần xa, những thân chủ được Cụ chữa khỏi bệnh và những đồng bào quanh vùng hoặc đã chịu ơn hoặc vì mến nghĩa Cụ với lòng tôn kính, ngưỡng mộ. Người ta kể lại rằng ngày đưa linh cữu Cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng, cả cánh đồng từ chợ Ba Tri lên Giồng Cụt trắng xóa khăn tang.
Bàn thờ Cụ trong ngày lễ hội.
Hơn một phần tư thế kỷ, sống trên đất Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân ở đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Thơ văn của ông đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ con người Bến Tre và ngưng đọng lại ở đó, biến thành một sức mạnh vật chất giúp họ có thể chiến thắng được mọi gian nguy, thử thách gay go và khốc liệt nhất. Cụ đã dùng ngòi bút để ca ngợi các cuộc kháng chiến của nghĩa quân, tố cáo tội ác của giặc Pháp, kiên quyết chống bọn vua quan bán nước, không hợp tác với giặc, giữ vẹn tấm lòng yêu nước, thương dân. Hiện nay, nhiều con đường, trường học, bệnh viện ở Bến Tre và các thành phố lớn trong cả nước đã được vinh dự mang tên Cụ. Từ năm 1946 đến 1948, tỉnh Bến Tre được đổi tên là tỉnh Đồ Chiểu.
Khu mộ và đền thờ của cụ Nguyễn Đình Chiểu cách trung tâm thị trấn Ba Tri 2 km về phía Nam, nay thuộc ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri. Phần đất này của người học trò thân tín của ông là Nhứt Xược, cũng là phần đất Cụ chọn trước khi mất. Trước năm 1958, mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu và vợ là Lê Thị Điền chỉ có nắm đất xung quanh ghép đá ong. Năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm bị động vì ở ngoài Bắc có tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu rất lớn nên phong trào quần chúng nhân dân trong vùng đòi hỏi buộc Ngô Đình Diệm phải tỏ ra biết trọng hiền đãi sĩ, nên để lừa mị đồng bào, đã cho trùng tu ngôi mộ của Cụ ông, Cụ bà bằng xi măng, nâng nền mộ Cụ cao hơn và dựng chung một tấm bia mộ chính giữa phía trên đầu. Qua năm sau tiếp tục cải táng mộ Sương Nguyệt Anh từ xã Mỹ Nhơn về nằm cạnh mộ Cụ.
Đến năm 1972, chính quyền Sài Gòn cho xây dựng đền thờ gần mộ cụ. Ngày 27 tháng 4 năm 1990, nơi đây được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Song song đó, Bộ cũng tiến hành đầu tư trùng tu lại đền thờ cũ và xây dựng tường rào bao bọc với diện tích 5.600m2. Để tỏ lòng thành kính với Cụ Đồ và phục vụ cho việc tham quan nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, năm 1999 Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng tỉnh Bến Tre đầu tư xây dựng đền thờ mới. Công trình được khởi công vào ngày 01 tháng 7 năm 2000; khánh thành ngày 01 tháng 7 năm 2002 với tổng kinh phí là 6,9 tỷ đồng (trong đó, kinh phí Bộ đầu tư là 5,7 tỷ đồng, tỉnh Bến Tre đầu tư 1,2 tỷ đồng). Diện tích được mở rộng lên 13.000m2. Khu di tích này là một loại hình kiến trúc đặc biệt mang tính tư tưởng văn hóa cao. Đền thờ hình tròn với 3 tầng mái tượng trưng cho 3 tầng trí thức: dạy học, làm thuốc, viết văn. Nhà bia với hai tầng mái tượng trưng cho hai công trạng nổi bậc: ngọn cờ đầu trong thơ văn yêu nước chống Pháp và những tác phẩm văn học dân gian xuất sắc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của thơ ca Nam Bộ. Đối với người mang triết lý phương Đông thì cho rằng mặt bằng đền thờ và các phần mái mô phỏng theo các biểu tượng như: lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái, thập nhị địa chi,…Còn với người nghệ sĩ lãng mạn thì cho rằng hình tròn và những nét cong lượn hòa quyện cùng hoa văn đuôi mái như là nét bút, hồn thơ của một nhà thơ yêu nước.
Để tỏ lòng thành kính với Cụ Đồ hàng năm vào ngày 1/7, nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức lễ hội Nguyễn Đình Chiểu. Lễ hội ngày càng được nâng lên sau mỗi năm tổ chức để xứng đáng với công đức của Cụ. Phần lễ được tổ chức long trọng, trang nghiêm, phần hội cũng không kém phần sôi nổi với nhiều hoạt động như: bốc thuốc miễn phí, thi nấu ăn, kéo co, đập niêu, triển lãm ảnh, Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên, ngâm thơ, múa lân, thi đấu võ thuật,…Khách tham dự từ Trung ương và các tỉnh đến mỗi năm mỗi tăng. Khách hành hương viếng Cụ ngày thường vốn đã đông, nay lễ hội lại đông hơn. Đặc biệt, năm nay còn có trưng bày mô hình sa bàn Nguyễn Đình Chiểu dạy học và một số điển tích khác. Và từ lâu ngày này cũng được chọn là Ngày hội truyền thống văn hóa của tỉnh Bến Tre.
Các hoạt động của lễ hội nhằm tưởng nhớ nhà thơ tài hoa Nguyễn Đình Chiểu, người đã gắn bó và gần gũi với nhân dân Ba Tri cũng góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre (1/7) được tổ chức hàng năm gắn với ngày sinh của Cụ là một ngày hội lớn, niềm tự hào của người dân xứ dừa. Ngày hội với ý nghĩa nhắc nhở mọi người nhớ đến tài năng, đức độ của một bậc hiền tài và tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của một nhà giáo, một người thầy thuốc suốt đời vì nhân dân, đã đem tài năng và trí tuệ của mình phục vụ cho dân, cho nước. Tấm gương của Cụ đã đi vào sử sách, vào lòng người không chỉ ở Bến Tre mà lan rộng, vang xa ra cả nước. Nhiều nhà nghiên cứu đã hết lời ca ngợi Cụ, đánh giá rất cao những áng văn thơ tuyệt tác của Cụ nhưng trên hết là tư tưởng, tâm hồn của một người yêu nước, thương dân rất mực. Sau ngày giải phóng đến nay, chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của Trung ương đã đầu tư công sức, tiền bạc để tôn tạo khu vực này thành một di tích lịch sử có giá trị mang ý nghĩa giáo dục về tinh thần yêu nước, thương dân. Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhà thơ yêu nước của dân tộc nửa sau thế kỷ XIX, mà còn là một nhà giáo, một thầy thuốc của nhân dân.