Những điều chưa biết về cuộc đời danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Ngưỡng mộ danh tiếng cố trụ trì Viên Ngộ, trên đường chạy giặc từ thành Gia Định về Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã tìm đến chùa Tôn Thạnh làm nơi viết văn và họp bàn quốc sự cùng lãnh tụ các nghĩa quân chống giặc. Tại đây, ông đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Bia di tích về Nguyễn Đình Chiểu tại chùa Tôn Thạnh.

Chốn khai sinh hùng ca Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Nguyễn Đình Chiểu xuất thân trong gia đình quan lại. Cha ông, Nguyễn Đình Huy theo Tả quân Lê Văn Duyệt và làm thư lại ở Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn Gia Định Thành. Thế nhưng, cuộc đời ông sớm chịu nhiều thăng trầm, mất mát. Lớn lên trong gia đình nho học, Nguyễn Đình Chiểu sớm biểu hiện những phẩm chất của một anh tài. Theo đó, 21 tuổi, ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 1847, ông ra Huế học để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu nhưng được tin mẹ mất, Nguyễn Đình Chiểu đau đớn bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang.

Trên đường, thương khóc mẹ, vất vả và thời tiết thất thường, nên đến Quảng Nam, Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng. Ông được một thầy thuốc thuộc dòng dõi ngự y tận tình chữa trị. Tuy nhiên, bệnh quá nặng, Nguyễn Đình Chiểu thoát cửa tử nhưng mất đi đôi mắt. Tuy nhiên, vốn là một người ham học hỏi, trong thời gian chữa bệnh, dù không thấy ánh sáng mặt trời, Nguyễn Đình Chiểu vẫn tận tụy học hỏi nghề y. Cuối cùng, ông cũng học được cách cứu mình, cứu người. Lâm cảnh đui mù, hôn thê bội ước, cửa nhà sa sút... Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851 mới mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi (Gia Định).

Được biết, sau lễ cưới của anh giáo mù Nguyễn Đình Chiểu với cô Lê Thị Điền, con gái rượu của một gia đình giàu có nhất Thanh Ba, tiếng tăm về chàng rể mù có tài văn thơ, có tấm lòng quảng đại, phong thái uy nghi sớm làm người dân ngưỡng mộ. Đặc biệt, sau những tác phẩm để đời như Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu nêu cao nghĩa khí của bậc quân tử, tấm lòng trung quân ái quốc, Nguyễn Đình Chiểu nhanh chóng được các lãnh tụ nghĩa quân tin tưởng tìm gặp, trao đổi việc kháng giặc cứu nước.

Vì vậy, từ rất sớm, dù mù lòa, ông đã có mối liên hệ với các phong trào nghĩa quân. Biết được những hiểm nguy mình phải đương đầu, để tránh hậu họa cho gia đình ông Lê Tăng Quýnh cũng như che mắt giặc Pháp cùng bọn tay sai, Nguyễn Đình Chiểu tìm đến gần chùa Tôn Thạnh sinh sống.

Tại đây, ban ngày ông vào chùa bốc thuốc, mở trường học, viết thơ văn và gặp gỡ, cố vấn cho nghĩa quân. Theo những ghi nhận trong tài liệu "Sưu tập Nguyễn Đình Chiểu" của tác giả Châu Anh Phụng thì tại chùa Tôn Thạnh, Nguyễn Đình Chiểu giữ vai trò là một cố vấn trong bộ tham mưu kháng Pháp của Trương Công Định.

Khẳng định thêm sự việc trên, Hòa thượng Thích Tắc Ngộ, trụ trì chùa Tôn Thạnh cho biết: "Các sư đời trước truyền lại rằng, ông Nguyễn Đình Chiểu ở chùa này 3 năm, từ năm 1859 đến năm 1861. Khi về chùa, ông nhuận sắc nhiều tác phẩm của mình và đóng thành cuốn. Thường ngày, tại chùa, ông viết sách, làm thơ rồi dạy học và bốc thuốc cho người dân mà không lấy tiền. Ngoài ra, ông còn gặp gỡ bàn bạc việc cứu nước với các nghĩa quân. Cũng chính nơi đây, kiệt tác văn học Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ra đời.

"Đêm 16/12/1861, nghĩa quân tụ họp tại chùa Tôn Thạnh họp bàn và quyết định kéo quân tập kích vào đồn Pháp ở Cần Giuộc. Tuy dũng mãnh, quyết liệt, quả cảm và thu được một số thắng lợi nhất định, nhưng vì trang bị thô sơ, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, nghĩa quân dần bị đánh lui và bị chết rất nhiều. Cảm kích trước sự hy sinh anh dũng của những nghĩa quân vốn là những người nông dân chân lấm tay bùn, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài văn tế trên", Đại đức Thích Tắc Nhàn, chùa Tôn Thạnh cho biết thêm.

 

Bản sao Hán Nôm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

 

Đi tìm "dân ấp, dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ"

Về nguồn gốc của những nghĩa binh được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi trong tác phẩm văn tế, các bậc lão niên giàu hiểu biết tại xã Mỹ Đức, Mỹ Lộc thuộc huyện Cần Giuộc, Long An, cho biết: Sau khi không thể kháng cự lại quân Pháp, Hộ đốc thành Gia Định Võ Duy Ninh cho quân lui về vùng Cần Giuộc.

Tại đây, ông cũng không cản được bước chân man rợ của giặc ngoại xâm nên đã tuẫn tiết. Sau cái chết của Võ Duy Ninh, quân lực tiêu tán, giặc Pháp tràn ra cướp bóc, giết chóc. Trước cảnh nước mất nhà tan, người anh hùng Trương Công Định đứng lên tụ nghĩa, lãnh đạo nghĩa binh chống giặc và phong ông Bùi Quang Diệu làm đốc binh và chọn chùa làm nơi chỉ huy, bàn bạc quốc sự.
Tại đây, nghĩa quân đã gặp gia đình Nguyễn Đình Chiểu và được người chí sĩ hết lòng phò tá. Các bậc lão nhân khẳng định trong công cuộc chống giặc không chỉ mỗi cụ Đồ Chiểu góp công và còn có cả người vợ hiền của ông là bà Lê Thị Điền. Được biết, khi Pháp dồn binh tấn công Cần Giuộc, trên đất liền chúng đóng đồn và đóng tàu chiến dưới sông.

Các cụ khẳng định: Bà Lê Thị Điền là người đã nảy ra sáng kiến hạn chế kỵ binh của giặc để quân ta chiếm lợi thế trong chiến đấu giáp lá cà. Theo đó, bà tìm hái trái mù u đợi khi kỵ binh giặc vào làng, bà đem mù u ra đổ đầy đường. Giặc lao tới, đạp phải mù u ngã nhào, nghĩa quân lợi dụng lúc ấy mà ùa ra đánh.

Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghĩa binh không thể đẩy lùi giặc ngoại xâm. Ngày 16/12/1861, Bùi Quang Diệu quyết định dốc sức, dẫn binh công đồn giặc tại Cần Giuộc và thất trận trong bi tráng. Ghi nhận sự việc trên, các tài liệu lịch sử có ghi: Mặc dù thất trận nhưng nghĩa quân cũng tiêu diệt được một lượng lớn lính Mã Tà, Ma Ní, đâm bị thương tên Giám đốc quân sự người Pháp tên Dumont (tên này cũng bỏ mạng không lâu sau đó).

Nhưng những thiệt hại cụ thể của nghĩa quân không hề được ghi nhận một cách chính xác, hệ thống trong các tài liệu lịch sử. Cho đến hiện nay, danh tính các nghĩa quân hi sinh vẫn nằm trong vòng bí ẩn, số lượng các nghĩa sĩ thiệt mạng cũng chỉ là những con số chưa được thống nhất.
Theo đó, trong tác phẩm của mình, nhà văn hóa, ngôn ngữ Huỳnh Tịnh Của cho rằng trong trận đánh oai hùng trên có 25 nghĩa binh hy sinh. Tuy nhiên, những tài liệu được tuần phủ Gia Định ghi chép thì nghĩa quân có 27 người thiệt mạng. Cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng cũng khẳng định có 27 nghĩa binh hy sinh. Ngoài ra bà còn cho biết, bà đã cất công tìm kiếm danh tính, nơi chôn cất tập thể các nghĩa binh năm xưa trong một thời gian rất dài. Theo đó, bà Châu Anh Phụng khẳng định: Có 27 nghĩa sĩ hy sinh.

Cũng theo lời bà Châu Anh Phụng, hiện nay, việc xác định lại danh tính, tuổi tác của những người anh hùng được cụ Đồ Chiểu ca ngợi trong bản hùng ca trên là điều rất khó. Theo đó, người dân nơi đây truyền rằng trong số nghĩa binh hy sinh một phần lớn là người dân Mỹ Lộc, do đó họ đã lập đền thờ chung. Thông tin cùng chúng tôi xung quanh việc định danh nghĩa sĩ Cần Giuộc, các lão nhân tại khu vực đình Mỹ Lộc cho biết: Các cụ xưa kể lại rằng, sau khi thất trận, người ta cũng có lập danh sách các nghĩa binh nhưng thời gian quá lâu, trải qua chiến tranh, loạn lạc có lẽ danh sách đã thất lạc hoặc bị phá hủy từ lâu.

Khẳng định lại vấn đề trên, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng cho biết: Qua quá trình tìm hiểu về cụ Đồ Chiểu, về văn tế cũng như những nghĩa sĩ, tôi chỉ biết chính xác khu vực chôn cất những người đã hy sinh. Thi hài nghĩa quân công đồn được nhân dân mang về mai táng trọng thể tại nghĩa trang khu vực. Tuy nhiên, sau khi Pháp chiếm khu vực này, do việc mở rộng đường, đắp đồn, chúng đã đào nghĩa trang lên. Lâu ngày, nơi yên nghỉ của những anh hùng áo vải trở thành một cái ao rất sâu. Đến nay, ao đã được lấp để xây nhà mất rồi".

Nói thêm về cuộc đời cụ Đồ Chiểu sau khi viết đại kiệt tác văn tế, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng cho biết: "Sau khi nghĩa quân thất trận, ông Đồ mù lòa lại theo vợ con xuống Ba Tri, Bến Tre sinh sống. Dù ở đâu, ông cũng vẫn là người có nhân cách cao đẹp, lấy văn chương là vũ khí chống giặc với tư tưởng: Văn dĩ tải đạo. Tuy nhiên, sẽ là vô cùng thiếu sót nếu nói đến cuộc đời vĩ đại của người chí sĩ trên mà không đề cập tới những đóng góp thầm lặng của bà Lê Thị Điền, người vợ hiền của Nguyễn Đình Chiểu.