Nhà sư đặc biệt "khai sáng" cho Nguyễn Đình Chiểu

Trước khi được in thành sách, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng quyết định công bố những tư liệu quý về những giai thoại ly kỳ gắn liền với cuộc đời thăng trầm của Nguyễn Đình Chiểu lưu lạc dân gian.

 

Chùa Tôn Thạnh, nơi chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu hoạt động văn chương, cách mạng.

Những nỗi đau đã cướp đi ánh sáng của người anh tài Nguyễn Đình Chiểu nhưng không thể đánh tan lòng yêu nước của ông. Trên con đường chạy giặc, người chí sĩ vĩ đại trên đã náu thân tại chùa Tôn Thạnh và từ đây, người để lại cho đời những áng văn thơ bất hủ. Và nguyên nhân cho việc ông chọn cửa chùa làm nơi dừng chân chính là nhân cách cao đẹp và cuộc sống huyền diệu của người sáng lập chùa Tôn Thạnh: Hòa thượng Viên Ngộ.

Bốc than hồng cho cha hút thuốc

Danh tiếng của chùa Tôn Thạnh vượt xa khỏi địa bàn Cần Giuộc (Long An) không phải từ khi chùa được xác lập di tích quốc gia. Trước đó, chùa đã được người dân xứ này ngưỡng vọng. Sự ngưỡng vọng xuất phát từ lòng mộ đạo kỳ diệu và cuộc sống đầy bí ẩn đến không tưởng của vị sư trụ trì có nhân cách cao đẹp.

Được biết, trước kia chùa Tôn Thạnh có tên là chùa Ông Ngộ. Cái tên trên xuất phát từ tên tục Nguyễn Ngọc Ngộ của cố sư Viên Ngộ. Theo lời của hòa thượng Thích Đạt Đồng, Viện chủ chùa Tôn Thạnh: "Cuộc đời của hòa thượng Viên Ngộ ẩn chứa những điều kỳ diệu hiếm thấy. Từ sự mộ đạo cho đến con đường hành đạo đều để lại những giai thoại ly kỳ".

Về cuộc đời mang nhiều huyền bí và nhuốm màu huyền thoại của Hòa thượng Viên Ngộ cũng có nhiều tài liệu khác nhau. Tuy nhiên, theo Đại Nam nhất thống chí, hòa thượng Viên Ngộ tên thật là Nguyễn Ngọc Ngộ, con của một gia đình phú nông tại Cần Giuộc. Tuổi thơ của cậu bé Ngộ không mấy cơ cực, nhưng lên 7 tuổi, cậu nhất quyết xin nhà đi tu.

Lý giải chuyện lạ trên, hòa thượng Thích Tắc Ngộ, trụ trì chùa Tôn Thạnh nhận định: "Sở dĩ sư Viên Ngộ nhất quyết theo nghiệp tu hành là vì một đêm nọ, ông nằm mộng thấy Đức Như Lai hiện giữa tòa sen. Nghĩ là mình có duyên với cửa Thiền, sáng hôm sau, Ngọc Ngộ liền đến tìm cha xin được đi tu".

Nguyện vọng trên của Ngọc Ngộ không được cha mẹ chấp thuận. Song ý đã quyết, Ngọc Ngộ tìm mọi cách lay chuyển cha mẹ. Để hy vọng dập tắt ý nghĩ tu hành của con trẻ, ông Nguyễn Ngọc Bình (bố đẻ Ngọc Ngộ) thách con xuống nhà dưới cách đại sảnh mấy gian lấy tay không bốc than đang cháy, cầm lên cho ông châm thuốc. Nếu Ngọc Ngộ làm được thì cha chấp thuận cho đi tu.

Không mảy may suy nghĩ, Ngọc Ngộ xuống nhà bếp, tay không bốc lấy một hòn than đang cháy to tướng, đi thong thả lên nhà trên. Ngọc Ngộ quỳ xuống, hai tay dâng hòn than vẫn còn đỏ rực đang cháy xèo xèo trong gan bàn tay mời cha hút thuốc, mặt không biến sắc. Thất kinh và cảm phục trước lòng mộ đạo không tưởng của con, ông Bình hoảng hốt đỡ con dậy và yêu cầu Ngọc Ngộ vứt bỏ than hồng đang cháy trên tay. Ngọc Ngộ không nghe theo. Đến khi thấy cha gật đầu tuyên bố: "Được rồi, cha vui lòng chấp thuận cho con theo đạo". Lúc đó, Ngọc Ngộ mới ngồi dậy, vứt bỏ hòn than còn đỏ rực.

Ngay sau khi được chấp thuận, Nguyễn Ngọc Ngộ giã biệt gia đình khăn gói lên chùa Vĩnh Quang xuất gia. Theo những ghi nhận của Tiểu sử đại sư Viên Ngộ khai sơn chùa Tôn Thạnh của Tỉnh hội Phật giáo Long An: Tại chùa Vĩnh Quang, Ngọc Ngộ được sư trụ trì quý mến vì sự nhanh trí, chịu khó và lập được nhiều công quả.

 

Bức tượng Địa tạng Bồ tát bằng đồng và ngón tay của sư Viên Ngộ.

Nhà sư đặc biệt

Lúc bấy giờ, vùng Cần Giuộc từ Trường Bình đến Mỹ Lộc còn là rừng hoang âm u, hổ báo thường xuất hiện làm người dân không ai dám khai phá, lại càng không dám lai vãng tới chùa cúng quả. Theo đó, người dân nơi đây còn truyền nhau giai thoại ông Ngộ phục hổ, mở đường. Về giai thoại trên, bà Châu Anh Phụng cho biết: "Lúc đầu, vì muốn có đường để dân đi lại và vào chùa cúng bái, ông Viên Ngộ một mình ra rừng làm đường. Sau đó, thương sư thầy có tâm, nhiều phật tử cũng ra góp sức. Nhưng lòng phật tử vẫn sợ cọp xuất hiện. Một hôm, cọp dữ xuất hiện, tiến thẳng về phía các phật tử. Mọi người thất kinh, run rẩy báo thầy Viên Ngộ và bảo thầy chạy nhanh kẻo chết. Sư Viên Ngộ chắp tay đứng lặng niệm Phật. Phật tử không nỡ bỏ vị sư đức độ nên cũng đứng im, tay chắc cuốc xẻng tự vệ, nhất nhất nghe thầy, không động thủ. Cuối cùng, con cọp to lớn đứng trước mặt sư, nhìn chằm chằm phút chốc rồi bất ngờ ngoảnh đầu bỏ đi. Dân trong vùng nghe câu chuyện ấy, ai nấy đều ngạc nhiên và tin sư Viên Ngộ có thuật hàng long phục hổ".

Tuy nhiên, vị sư trẻ luôn khẳng định mình là một con người bình thường và khuyên người dân không nên tin vào tà thuật, mê tín. Từ đó, đức độ của sư Viên Ngộ càng được người dân tin yêu, lòng mộ đạo của dân chúng càng ngày càng cao. Đến năm Gia Long thứ 7, sư Viên Ngộ xin chùa Vĩnh Quang đến vùng rạch Thanh Ba (nay là Xã Mỹ Lộc, Huyện Cần Giuộc) cất chùa khác gọi là chùa Lan Nhược, còn gọi là Lan Nhã, tiền thân của chùa Tôn Thạnh ngày nay.

Tại đây, cuộc đời ông để lại những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại vẫn được người dân truyền tụng, biểu dương. Theo bà Châu Anh Phụng: Cuộc đời và tấm lòng đức độ gắn với những câu chuyện kỳ lạ về những khả năng không tưởng của ông chính là nguyên nhân khiến nhà chí sĩ vĩ đại Nguyễn Đình Chiểu, người từng lên tiếng đả kích Phật giáo trong tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu quyết định ẩn thân tại chùa để viết thơ văn, bàn việc quốc sự. Đến nay, người dân vẫn truyền nhau chuyện sư Viên Ngộ tự chặt ngón tay để đúc tượng, trường tọa hơn 10 năm ròng để diên thọ mạng cho cha, tuyệt thủy 49 ngày để tu thành chính quả.

Theo đó, sau khi dựng chùa, sư Viên Ngộ kêu gọi khách thập phương góp của đúc tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát. Các lão phật tử cho biết việc đúc tượng được hòa thượng Viên Ngộ rất coi trọng. Thợ đúc tượng đều là nghệ nhân có tiếng được ông cẩn trọng mời từ Quy Nhơn. Tuy nhiên, sau khi tháo khuôn đúc, mọi sự cố gắng của người dân cùng cánh thợ đúc đồng và cả sư Viên Ngộ đều không được viên mãn. Bức tượng có một vết nứt chừng một ngón tay. Đây được xem là một điều đại kỵ. Anh thợ đúc vô cùng lo lắng và luôn cho rằng mình là người thiếu ân đức, tâm hồn không trong sạch nên bị quở trách. Sư Viên Ngộ cũng cho rằng đức Địa Tạng Vương đang thử thách lòng thành của mình nên bảo thợ đúc lại. Đây chính là lần ông tự chặt ngón tay mình để hoàn thành bức tượng.

Bà Châu Anh Phụng kể lại: "Hôm đúc lại tượng, nhằm khi đồng đã chảy vào khuôn, sư Viên Ngộ gọi người đem thớt và dao lên rồi bất ngờ vung dao chặt ngón tay và cầm thảy vào nồi đồng nấu chảy khiến xương thịt tan vào kim khí. Sau đó, đồng được rót vào khuôn. Ba ngày sau, bức tượng hoàn thành mà không có bất kỳ một sai sót nào".

Tuy nhiên, đó chưa phải là câu kết cho cuộc đời có nhiều điều kỳ lạ của hòa thượng Viên Ngộ. Người dân nơi đây, cũng như các bậc cao tăng vẫn lưu truyền kỳ tích trường tọa 10 năm ròng để thọ diên cho người cha đang đau ốm. Sau đó, đến năm 1820, khi nhân dân bị bệnh truyền nhiễm hành hạ, ông lại tiếp tục tuyệt thực 26 năm để cầu an. Theo đó, ông chỉ uống chút nước đường vào buổi trưa. Ông sống như vậy đến 26 năm mà vẫn tỉnh táo và khỏe mạnh.

Năm Thiệu Trị thứ 6 (năm 1846), sư Viên Ngộ lại lập nên một kỳ tích mới khi quyết định tuyệt thủy (không uống nước cũng không ăn uống) để tu hành. Được biết, ông tuyệt thực tuyệt thủy được 49 ngày thì viên tịch. Đây được xem là một kỳ tích thực sự và khó tìm được câu lý giải. Con người có thể nhịn ăn trong một thời gian dài bằng việc uống nước cầm hơi, tuy nhiên, không thể nhịn nước trong nhiều ngày như vậy.

Với những điều kỳ diệu và đạo hạnh của một hòa thượng đức độ, người dân nơi đây tin yêu, ngưỡng vọng sư Viên Ngộ như một vị danh nhân. Ngày nay, xã Mỹ Lộc đã có tên đường Viên Ngộ và giồng Ông Ngộ để tưởng nhớ công đức của vị sư có cuộc sống kỳ diệu trên. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tìm vào chùa ẩn thân, hoạt động văn thơ, mưu quốc sự.