Trong giai đoạn hiện nay, khoa học công nghệ và kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ; mặt trái của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là thông tin trên Internet ngày càng sâu rộng tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm lớp trẻ và công tác giáo dục thế hệ trẻ ngày càng khó khăn. Thường xuyên và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu nhi về truyền thống vẻ vang của đất nước, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi; chú trọng giáo dục thanh niên qua nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt là một việc làm cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Ở nước ta, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác, còn có rất nhiều những tấm gương sáng để giáo dục thế hệ trẻ. Một trong số đó, nổi bật là danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

                                                             

                                                  Ông Lư Văn Hội truyền dạy Nói thơ Vân Tiên cho các em học sinh ( ảnh NHDL).

       Tấm gương về nghị lực trong cuộc sống: Nguyễn Đình Chiểu gặp rất nhiều bất hạnh trong cuộc đời, ở tuổi thanh xuân, ông đã từng ôm ấp lí tưởng cao đẹp là phò vua giúp nước. Nhưng những tai ương dồn dập trút xuống khiến ông không thể thực hiện được lí tưởng ấy. Đường công danh dang dở, vợ sắp cưới bội ước, bản thân lại mù loà. Nếu như là một người tầm thường, không có ý chí cao, người ta có thể sẽ buông xuôi tất cả. Thế nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, ông đã vượt qua mọi khó khăn, biến đau thương thành sức mạnh vươn lên làm chủ số phận của mình. Bên cạnh việc dùng ngòi bút đấu tranh giành độc lập, ông còn nghiên cứu thêm về y học và kê đơn chữa bệnh cho nhân dân. Là một nhà giáo, trọn đời thầy Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều tốt đẹp nhất. Phải có nghị lực phi thường và khí phách cứng cỏi thì Nguyễn Ðình Chiểu mới vượt qua những bất hạnh của cá nhân và thời cuộc để đứng vững trước cơn binh lửa hãi hùng của lịch sử mà không sờn lòng, nản chí.

       Tấm gương về lòng yêu nước, thương dân: tinh thần yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu được thể hiện rõ thông qua cuộc đời: là tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước sâu sắc và lòng căm thù giặc mãnh liệt. Tinh thần yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn được thể hiện thông qua giá trị thơ văn của ông. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu luôn là vũ khí chiến đấu chống xâm lược, ngợi ca chính nghĩa, đạo đức ở đời. Những tác phẩm của ông luôn sục sôi lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm. Nguyễn Đình Chiểu không màng danh lợi, suốt đời chăm lo đào tạo thế hệ học trò có chí, có tài, coi trọng đạo lý làm người. Ông là một danh y, một thầy thuốc mẫu mực chăm lo cho người bệnh. Y lý của ông lấy số phận con người làm nội dung, đạo đức của người thầy thuốc là không màng danh lợi. Ông luôn đề cao lương tâm của những người thầy thuốc, việc cứu chữa cho những người nghèo khổ về thuốc men, giúp đỡ họ với sự tận tình từ tấm lòng người thầy thuốc và không có sự phân biệt đối xử hay bất cứ giai cấp tầng lớp nào trong xã hội. Tác phẩm lớn cuối đời của Nguyễn Đình Chiểu là quyển “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”, một quyển sách dạy đạo làm người và đạo làm thầy thuốc cứu người. Tư tưởng nhân đạo cao quý, tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy trong nghề nghiệp của người thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu rất đáng ngợi ca và còn nguyên vẹn ý nghĩa, đặc biệt được phát huy trong thời đại ngày nay.

       Tấm gương học tập suốt đời: Lúc còn nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ dạy dỗ; lên 6, 7 tuổi theo học chữ Hán với một ông thầy đồ trong làng. Sau khi Nam Kì bị chiếm, cha ông đã bỏ về kinh và bị cách chức. Trong thời gian ấy, việc học hành của Nguyễn Đình Chiểu bị dở dang. Sau đó cha ông quay vào miền Nam đưa Nguyễn Đình Chiểu ra Huế gửi ở nhà một người bạn cũng vừa bị giáng chức để học tập. Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu xin ứng thí tại trường thi Gia Định và đậu Tú Tài. Tuy không hoàn toàn mãn nguyện nhưng bước đầu tiên ấy mang nhiều khích lệ. Vì ở miền Nam lúc bấy giờ quan quân bận việc binh nhung, tranh chấp với Cao Miên nên Nguyễn Đình Chiểu xin phép mẹ cha ra Huế để tiện bề ăn học vì tình hình ngoài đó đã yên ổn, lại thêm ở đó có nhiều thầy nổi danh. Thế là ông về Huế, tá túc tại nhà bà con bên nội. Nhưng sự việc xảy ra ngoài ý muốn của ông. Quân Pháp thị oai trước cửa Hàn. Ông lo ăn học nhưng trong lòng không khỏi áy náy. Đến năm 1849, ông toan ứng thi kỳ thi Hương, nhưng lại hay tin mẹ mất. Ông đành bỏ dở khoa thi để kịp về Nam thọ tang mẹ. Vì đường sá xa xôi, vì đau buồn thương mẹ nên ông bị đau mắt nặng và vĩnh viễn mù cả hai mắt. Giấc mộng công danh đã không thành lại thành người tàn phế, tương lai tưởng như chấm hết. Thế nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, ông đã biến đau thương thành sức mạnh vươn lên làm chủ số phận của mình. Về nhà để tang mẹ, ngoài việc đèn sách, ông còn học thêm về y học và kê đơn chữa bệnh cho nhân dân. Ông là tấm gương cho người tàn tật không khuất phục trước số phận không may mắn. Dù mắt mù lòa, ông vẫn tự học qua người thân các tri thức nho giáo, tri thức nghề thuốc đông y để hành nghề, là thể hiện tư tưởng “học tập suốt đời” của UNESCO.

        Tấm gương sáng về đạo hiếu nghĩa nhân từ: Trong cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, người mẹ đặc biệt quan trọng và ông thương mẹ sâu sắc. Năm 1843 ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định, năm 25 tuổi ông trở ra Huế tiếp tục học tập để chờ khoa thi năm 1849, nhưng chưa kịp thi thì hay tin mẹ mất. Trên đường trở về chịu tang mẹ vì khóc thương quá độ, ông lâm bệnh và mù cả hai mắt. Trong sáng tác của mình sau này, ông đã xây dựng nhân vật Lục Vân Tiên một cách đầy lí tưởng như mơ ước của mọi người về một người quân tử. Trong mối quan hệ với gia đình Lục Vân Tiên là người con hiếu thảo, luôn để cha mẹ lên trên hết. Trên đường từ nhà thầy đi thi, dù đã gặp và biết Hớn Minh thi cùng khoa nhưng Lục Vân Tiên vẫn để Hớn Minh đi trước vì chàng còn phải về thăm cha mẹ rồi sẽ theo sau. Đến kinh đô nghe tin mẹ mất ngay lúc nhập trường, chàng đành bỏ thi về chịu tang mẹ. Cuộc đời của Lục Vân Tiên vô cùng sóng gió, tai họa cứ liên tiếp ập xuống đầu chàng trai trẻ. Chàng trai còn bị cướp đi đôi mắt, sau này khi được thuốc tiên chữa lành đôi mắt, Lục Vân Tiên cũng đã sớm tạm biệt Hớn Minh trở về cùng cha già, đi viếng mộ mẹ trước khi nghĩ đến chuyện thi cử lập công danh. Có thể thấy Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng lên nhân vật tiêu biểu với nhân cách phi thường. Lục Vân Tiên được coi là hiện thân của Nguyễn Đình Chiểu, mượn nhân vật của mình để thể hiện lòng hiếu thảo cao đẹp trong con người tác giả. Trong ứng xử cá nhân, ông là tấm gương sáng về đạo hiếu nghĩa nhân từ.

       Thế hệ trẻ là đối tượng rất nhạy cảm với cuộc sống, bị ảnh hưởng cả những mặt tốt và cả những thói xấu. Cho nên trong quá trình phát triển nhất thiết cần phải được định hướng, do đó những hành động, biểu hiện của thế hệ đi trước rất dễ ảnh hưởng đến thanh niên. Với những cống hiến to lớn cho dân tộc, cho nền văn học nước nhà, Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu, kính phục của nhân dân dành cho ông và là một tấm gương sáng cần được tuyên truyền, giới thiệu để thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo./.  

                                                                

            Các em học sinh  nghe thuyết minh tại Di tích QGĐB Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu ( ảnh NHDL).