Hội nghị triển khai Đề án Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2015, định hướng đến 2020.

Sáng ngày 08/3/2013, tại hội trường đơn vị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2015, định hướng đến 2020.

 

Đ/c Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở VHTTDL báo cáo tóm tắt Đề án ( Ảnh: Hoàng Huấn)

Tham dự hội nghị có ông Trần Duy Phương, phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - chủ trì hội nghị và các bộ phận trực thuộc: Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra, Nghiệp vụ văn hóa, Ban Quản lý Di tích, Văn phòng; ông Bùi Văn Chương, phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; cùng đại diện các Sở: Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên môi trường và phòng văn hóa các huyện, thành phố: Châu Thành, Thạnh Phú, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Tp. Bến Tre.

Hội nghị đã nghe ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo tóm tắt Đề án Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2015, định hướng đến 2020.

Đề án gồm 3 phần: Thực trạng di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre; Định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2015, định hướng đến 2020 và một số cơ chế quản lý, chính sách, giải pháp quản lý thực hiện. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh Bến Tre sẽ đề nghị công nhận thêm 6 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh dự kiến nâng tổng số di tích của tỉnh lên 20 di tích quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh. Giai đoạn 2006 - 2011, nguồn vốn đầu tư để tôn tạo, sửa chữa di tích lịch sử - văn hóa là 22 tỷ 771 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 13 tỷ 471 triệu đồng, vốn xã hội hóa là 9 tỷ 300 triệu đồng chưa kể nguồn vốn tôn tạo, sửa chữa nhỏ hàng năm (chủ yếu là vốn xã hội hóa). Định hướng đến 2020 cần nguồn kinh phí là 831,5 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các di tích trên toàn tỉnh.

Hội nghị cũng đã nghe ông Nguyễn Văn Hùng, phó Trưởng Ban Quản lý di tích báo cáo thông qua dự thảo Quy chế Quản lý, tôn tạo, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre để các đại biểu tham dự hội nghị đóng góp ý kiến. Dự thảo Quy chế này có 05 chương, 31 điều quy định cụ thể về mô hình tổ chức và phân cấp quản lý của các Ban Quản lý di tích; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện. Dự thảo Quy chế nhận được 08 ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội nghị và nhiều ý kiến đóng góp bằng văn bản của các sở, ban ngành có liên quan.

Trên cơ sở các đóng góp của đại biểu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn chỉnh Quy chế trình UBND tỉnh để thông qua các thành viên Ủy ban trong kỳ họp lệ kỳ gần nhất.