Những hy sinh lặng thầm của bóng hồng phía sau Đồ Chiểu
Từ rất lâu, nhà chí sĩ, thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành danh nhân của người Việt Nam. Nhưng ít ai biết đến những hy sinh thầm lặng của người phụ nữ một đời vun đắp cho chồng từ anh giáo mù trở thành một bậc danh nhân đất Việt.
Mộ phần của Nguyễn Đình Chiểu và bà Lê Thị Điền.
Bỏ giàu sang chọn người hàn sĩ
Dù không được công thành, danh toại như Đồ Chiểu, nhưng tại Cần Giuộc, không ai không biết đến bà Lê Thị Điền, người được dân chúng nơi đây thân thương gọi bằng cái tên điền dã: Cô Năm Điền. Thông tin cho chúng tôi về Cô Năm Điền, người dân nơi đây khẳng định: "Chuyện đã thành sử rồi, chúng tôi chỉ nghe ông bà kể về Cô Năm Điền tên thật là Lê Thị Điền là vợ của cụ Đồ Chiểu".
Khẳng định về thông tin trên, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng, một đời cất công nghiên cứu, thu thập tài liệu về cuộc đời Đồ Chiểu cho biết: "Đúng là người vợ của cụ Đồ Chiểu tên là Lê Thị Điền, tục danh là Cô Năm Điền. Cuộc hôn nhân của bà với Đồ Chiểu cũng là một trong những chuyện tình đáng trân trọng trong lịch sử. Lê Thị Điền sinh năm 1835 trong một gia đình khá giả tại làng Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, Cần Giuộc, Long An. Song thân phận của bà không được bất kỳ một tài liệu nào ghi nhận. Tuy nhiên, bà có một người anh trai tên Lê Tăng Quýnh”.
Được biết, Lê Tăng Quýnh là một người uyên thâm chữ Nho nên mở trường dạy học trong làng. Sinh ra trong một gia đình khá giả, lớn lên trong một cuộc sống bình yên và được giáo dục theo tinh thần Nho học một cách nghiêm ngặt, cô gái Lê Thị Điền sống trong cuộc sống chỉ dành cho những bậc khuê các. Đến tuổi cập kê, Lê Thị Điền đã nổi tiếng khắp vùng như một cô gái tài sắc vẹn toàn. Tài sắc của cô gái trẻ đã khiến biết bao bậc công tử, nam thanh cùng thời ái mộ, dạm hỏi. Tuy nhiên, cô kiên quyết, khéo léo chối từ mọi lời dạm hỏi từ những gia đình khá giả, giàu có trong, ngoài vùng.
Sống trong xã hội còn mang nặng những tư tưởng phong kiến, thấy em gái đã đến tuổi thành thân mà vẫn kiên quyết chối từ mọi lời cưới hỏi từ các gia đình quyền quý, Lê Tăng Quýnh nhiều lần sốt ruột khuyên nhủ, trách móc: "Đương lúc tuổi xuân, gặp những nơi quyền quý mà không biết trọng, sau này đợi để lấy người đui mù, sứt mẻ hay sao?". Những tưởng, lời quan tâm trên có thể lay chuyển em gái, nào ngờ cô ung dung trả lời: "Nếu sau này, dù có chồng đui mù mà xứng đáng để em tôn sùng, thì đó là việc cũng nên".
Trao đổi về sự kiện trên, bà Châu Anh Phụng cho biết: "Trong một dịp tình cờ, ông Lê Tăng Quýnh được đọc tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu. Kính phục, ngưỡng mộ trước một thiên kiệt tác, ông quyết tâm tìm kiếm tác giả. Sau khi biết đấy là thi phẩm của cậu Tú mù đang dạy học tại làng Tân Thuận, ông đã khăn gói lên gặp tác giả. Tại đây, càng tiếp xúc, ông càng kính phục tài đức của người thầy mù lòa. Theo đó, phần vì kính trọng, tin yêu phần vì cám cảnh đơn chiếc, đã ngoại tam tuần mà chưa yên bề gia thất, chưa có con nối dõi tông đường của anh Tú mù, Lê Tăng Quýnh chợt nhớ đến câu nói của bà Lê Thị Điền năm xưa, tính chuyện kết duyên cho hai người".
Sau đó, ông Lê Tăng Quýnh một mặt ra sức thuyết phục Đồ Chiểu lấy vợ, một mặt đem tài đức của ông giáo mù kể với em và muốn bà đến gặp mặt Đồ Chiểu một lần. Được biết, bà Lê Thị Điền đã y lời, cải nam trang đến làng Tân Thuận tìm gặp Đồ Chiểu. Tại đây, ngưỡng mộ trước phong thái uy nghi, đức độ, khí tiết hơn người của ông giáo mù, bà đã chấp thuận mối lương duyên xưa nay hiếm mà từ chối sang giàu để cưới người đui mù như lời bà trước kia.
Những hy sinh thầm lặng
Theo lời nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng, sau khi thành hôn, gia đình Nguyễn Đình Chiểu vẫn mưu sinh tại thành Gia Định. Sau khi thành này rơi vào tay giặc Pháp, ông đưa gia đình về quê vợ. Giai đoạn này, bà được xem như một thư ký văn chương của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đánh giá về mối lương duyên và tấm lòng của bà Lê Thị Điền, trong tác phẩm Sưu tập Nguyễn Đình Chiểu, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng viết: "Bà đã từ chối sự giàu sang để kết duyên với một hàn sĩ mù lòa, bà cho đó là hạnh phúc chân thật. Vì gặp Nguyễn Đình Chiểu, bà đã gặp được một người đồng chí hướng, hai người cùng chung một lý tưởng thanh cao. Đây mới là nấc thang đưa bà đến một cuộc sống vàng son bất diệt".
Hình vẽ bà Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu mang dáng dấp bà Lê Thị Điền.
Khi về Cần Giuộc sinh sống, bao lo toan gia đình đều được đặt lên đôi vai của một người con gái vốn sinh ra trong gia đình khá giả, chưa kinh qua cơ cực. Trong cảnh có chồng mù lòa lại sống trong thời loạn, bà không chỉ chăm lo chu toàn từ giấc ngủ đến manh áo cho chồng con mà còn lo cả cơm ăn áo mặc cho cả gia đình. Được biết, thời điểm này, Nguyễn Đình Chiểu vẫn mở lớp dạy học, và hành nghề bốc thuốc. Tuy nhiên, ông không xem việc làm ấy như một kế sinh nhai mà vì lý tưởng cứu dân, tá quốc. Theo đó, Đồ Chiểu dạy học và bốc thuốc không công tại chùa Tôn Thạnh. Sự việc trên cũng được Đại đức Thích Tắc Nhàn, phó trụ trì chùa Tôn Thạnh khẳng định.
Cũng theo lời nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng và những bậc cao niên tại đình Mỹ Lộc, ngoài vai trò là một người vợ đảm đang, do xuất thân từ gia đình danh giá, có học thức, bà còn được nhận định là một người phụ nữ giỏi thơ văn, nhạc họa. Do đó, nhiều tài liệu đã khẳng định, những tác phẩm văn học được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác sau khi bị mù là do bà chép lại. Hơn thế, trong tác phẩm Sưu tập Nguyễn Đình Chiểu của nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng ghi nhận: "Ngoài những trước tác mà văn học sử thường liệt kê của thầy Đồ, bà còn ghi chép và truyền bá đến nhân dân: Tứ thư (diễn Nôm, Gia Huấn ca, Tam Thập Lục Nạn, Ngũ Kinh...". Như vậy, có thể nói, ngoài là một người vợ hiền, một người mẹ tốt, bà còn là một nữ sĩ thực thụ.
Trao đổi xung quanh tài bút nghiên của bà Lê Thị Điền, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng cho biết: "Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, bà xuất thân trong gia đình Nho học, bản thân ông Lê Tăng Quýnh lại là một ông giáo làng. Ngay từ nhỏ, bà đã được tiếp xúc với thơ văn cả chữ Nôm và chữ Hán. Trong những tài liệu tôi thu thập được đều ghi nhận bà là một người con gái giỏi cầm, kỳ, thi, họa. Thế nên, khi gặp Đồ Chiểu, một cây bút có tiếng lúc bấy giờ, bà đã được tiếp xúc và có cơ hội phát triển tài bút nghiên của mình".
Bàn về vấn đề trên, các cao tăng tại chùa Tôn Thạnh cũng khẳng định việc một tay Cô Năm Điền nuôi gia đình nhỏ trong một ngôi nhà nhỏ gần chùa, nơi người chí sĩ ngày ngày dạy học, bốc thuốc, luận bàn việc nước cùng nghĩa quân. Hơn thế, vì khi lấy nhau, Nguyễn Đình Chiểu đã mù lòa, thế nên trong một thời gian dài, bà đích thân ghi chép những tác phẩm văn học, y học của chồng và lưu giữ. Do vậy, cho tới nay, theo lời tác giả Châu Anh Phụng, hiện vẫn chưa tìm thấy bút tích của cụ Đồ Chiểu mà chỉ là bút tích của những người có công ghi chép lại theo lời đọc của ông, trong đó có bà Lê Thị Điền.
Tuy nhiên, tài, đức của bà Lê Thị Điền không chỉ được người đời ghi nhận, trân trọng qua nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ đảm đang mà còn được nhận định là người góp công vào công cuộc chống giặc cứu nước lúc bấy giờ. Theo đó, các cụ cao tuổi nơi đây kể lại rằng: Bà Điền vẫn thường bí mật phục vụ cơm nước mỗi khi lãnh tụ nghĩa quân nhóm họp cùng cụ Đồ Chiểu bàn việc nước tại chùa Tôn Thạnh. Đặc biệt, cho đến nay, các bô lão cao tuổi nơi đây vẫn truyền nhau việc Cô Năm Điền sáng tạo ra việc đánh giặc bằng trái mù u.
Theo đó, bà đã cho người hái loại trái cây này để sẵn, khi giặc dùng kỵ binh tấn công vào làng, bà cho người đổ mù u ngổn ngang trên mặt đường. Khi giặc vào, giẫm đạp phải trái mù u cứng tròn té ngã nháo nhào lên nhau, nhằm lúc ấy, nghĩa quân xông ra dùng mã tấu, tầm vông mà tiêu diệt. Sử sách không ghi rõ việc này, tuy nhiên rất có thể, cách đánh giặc độc đáo trên được bà rút ra từ trận đánh Mù u của tiền nhân Ông Ích Khiêm.
Một đời hi sinh thầm lặng cho chồng cho nước nhà, bà Lê Thị Điền xứng đáng là tấm gương sáng của mọi người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại như lời nhận định của nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng: "Người đã gieo hạt giống tinh thần nảy nở triền miên trong tâm hồn của thế hệ đương thời và mai sau, một tinh thần dũng cảm đấu tranh cho dân tộc, tấm gương ngời sáng của người phụ nữ Việt Nam”.