Sáng ngày 03/12/2023 (nhằm ngày 21/10 âm lịch), tại Khu lưu niệm Đốc binh Phan Ngọc Tòng thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, UBND xã An Hiệp đã tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 156 năm ngày mất Đốc binh Phan Ngọc Tòng (21/10/1967 - 21/10/2023 âm lịch). Đây là sự kiện nhằm tưởng nhớ đến công đức của Đốc binh Phan Ngọc Tòng cùng nghĩa quân hy sinh trong trận đánh tại Gò Trụi diễn ra vào năm 1867. Buổi lễ có sự tham dự của ông Nguyễn Quang Trị - Nguyên Tỉnh ủy viên - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre - Chủ tịch Hội Di sản tỉnh Bến Tre; bà Trần Thị Kiều Tôn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre; ông Bùi Thành Dương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Ba Tri; ông Dương Văn Chương - Ủy viên Thường Vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tri cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã, Ban giám hiệu và học sinh trường THPT Phan Ngọc Tòng cùng đông đảo bà con nhân dân xã An Hiệp.
Đại biểu dâng hương Đốc binh Phan Ngọc Tòng( ảnh Phúc Thọ)
Các em học sinh trường THPT Phan Ngọc Tòng dâng hương tại lễ giỗ( ảnh Phúc Thọ)
Đốc binh Phan Ngọc Tòng (1818 - 1867) quê ở làng An Bình Đông, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Khi Pháp đánh chiếm Bến Tre, phong trào chống giặc nổi lên khắp nơi trong tỉnh. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, hương giáo Phan Ngọc Tòng đã đứng lên chống Pháp và được đề cử chức Đốc binh. Dưới sự chiêu mộ của ông, nghĩa quân đã tập hợp được hơn 200 người sẵn sàng cầm gươm, giáo, mác, tầm vông khởi binh chống giặc. Đêm 21/10/1867, Phan Ngọc Tòng chỉ huy nghĩa quân tấn công đánh giáp lá cà với địch và dùng khẩu lệnh xung phong là “hè hè” để uy hiếp tinh thần lính Pháp. Trận chiến không cân sức giữa những người dân đen mất nước và bọn thực dân diễn ra ác liệt. Sau cùng, nghĩa quân đã thất bại trước thế tương quan về lực lượng và vũ khí quá lớn của giặc. Đốc binh Phan Ngọc Tòng cùng phần đông nghĩa quân đã hy sinh trong trận đánh này.
Để tưởng nhớ Đốc binh Phan Ngọc Tòng, vào ngày 21/10 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân xã An Hiệp đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm ngày mất của ông để ghi nhận những đóng góp, hy sinh của người anh hùng ở làng An Bình Đông khi ấy, đồng thời cũng để giáo dục nhắc nhở cho các lớp thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bảo vệ đất nước của ông cha ta.