Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực 2 nghiên cứu thực tế lịch sử huyện Ba Tri


Ngày 17/7/2013, các giảng viên khoa triết học Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực 2 do tiến sĩ Phạm Đình Đạt - Trưởng khoa làm trưởng đoàn đã đến nghiên cứu thực tế truyền thống lịch sử và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Tri. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện đã tiếp đoàn.

 

Quang cảnh buổi làm việc, trao đổi giữa Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực 2 với lãnh đạo, ban ngành huyện Ba Tri. (Ảnh: T.X)


Ba Tri là một trong ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, nằm ở phía Đông và cuối cù lao Bảo, giáp với các huyện Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm và có chung ranh giới con sông Ba Lai và sông Hàm Luông, có diện tích tự nhiên trên 35.000 ha.


Vùng đất Ba Tri được hình thành chủ yếu do phù sa của hai con sông Ba Lai và Hàm Luông bồi tụ nên, nằm tiếp giáp biển Đông. Vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, Ba Tri vẫn còn phần lớn là rừng hoang và đầm lầy, nơi ngự trị những loài thú như cọp, heo rừng, khỉ, trăn, rắn, cá sấu, rái cá. Do vị trí thuận lợi nên Ba Tri là một trong những điểm định cư thuận lợi và sớm nhất của những lưu dân người Việt ở Bến Tre.


Những người đến Ba Tri đầu tiên chủ yếu bằng đường biển, bằng ghe bầu. Theo sử sách triều Nguyễn, vào năm 1742, dân cư ở đây còn rất thưa thớt. Thái Hữu Xưa, người phủ Tư Nghĩa, thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay vào đây làm ăn và được cử làm cai trại đầu tiên của Ba Tri cá trại. Năm 1759, Thái Hữu Xưa xin lập làng, đặt tên là Bình Đông. Sau nhiều lần phân chia khu hành chính, đổi tên đến nay là huyện Ba Tri.


Từ khi hình thành và phát triển, người dân ở Ba Tri luôn có truyền thống yêu nước. Đáng kể nhất là hình ảnh “Ông già Ba Tri” đã can trường quyết bảo vệ lẽ phải đến cùng; nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, ngọn cờ yêu nước tiêu biểu của nền thơ ca dân tộc nửa thế kỷ 19; Đốc binh Phan Ngọc Tòng là liệt sĩ đầu tiên hy sinh trong trận tập kích dã ngoại khi quân xâm lược đặt chân lên đất Ba Tri; người anh hùng Tán Kế đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở vùng Ba Châu vào những năm 1867 – 1868 và đã hy sinh một cách anh dũng. Đặc biệt tháng 4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bến Tre ra đời tại xã Tân Xuân. Về phương diện văn hóa, Ba Tri cũng là nơi có trữ lượng ca dao, dân ca phong phú, từ hò, lý, vè, nói thơ, hát bội đến điệu hát sắc bùa Phú Lễ.


Phát huy truyền thống yêu nước, sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, nhân dân huyện Ba Tri chung sức xây dựng quê hương, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Cuối năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 13,1%, thu nhập bình quân đầu người 21,44 triệu đồng. Các giá trị văn hóa truyền thống luôn được giữ gìn và phát huy. Đặc biệt, Ba Tri được tỉnh chọn là nơi để tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống hàng năm vào ngày 1/7 nhân kỷ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.


Tại buổi gặp gỡ, các giảng viên của Học viện và lãnh đạo huyện Ba Tri đã tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu về truyền thống lịch sử và tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để bổ sung kiến thức vào giáo án giảng dạy của Học viện.