Hơn 9 thập kỷ trôi qua, kể từ ngày cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc qua đời, theo dõi hành trang và hành trình của người, chúng ta càng thấy hiện lên rõ nét chân dung của một nhà yêu nước chân chính hòa quyện với một nhà Phật học uyên thâm, tích cực. Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm Nhâm Tuất (1862) ở Làng Sen (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Cha mẹ mất sớm. Khi 16 tuổi, Nguyễn Sinh Sắc được nhà nho Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (tức Làng Chùa, cũng thuộc xã Kim Liên) nhận nuôi, dạy và cho đi học.

                               

                                          Đoàn công tác của tỉnh khảo sát công trình Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc 

                                              tại chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Hữu Hiệp

Ra khỏi chốn quan trường

Vốn thông minh, hiếu học và đức hạnh, Nguyễn Sinh Sắc trở thành người học giỏi có tiếng, được liệt vào bốn danh nhân đương thời, mà nhân dân gọi là “Nam Đàn tứ hổ”, được người đời ca tụng: “Uyên bác bất như San, Tài hoa bất như Quý, Cường ký bất như Lương, Thông minh bất như Sắc”(1).

Năm 22 tuổi, Nguyễn Sinh Sắc được cha mẹ nuôi gả con gái Hoàng Thị Loan cho mình. Năm 1894 (32 tuổi), Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Cử nhân, đứng thứ 12 trong 20 người thi đỗ Cử nhân Trường Nghệ An. Năm 1901, ông thi đỗ Phó bảng. Với ý thức học để làm người chứ không phải học chỉ để làm quan, nên sau khi đỗ đạt, Nguyễn Sinh Sắc từ chối lễ vinh quy và đã 2 lần từ chối lời mời ra làm quan của triều đình Huế. Ông sống thanh đạm bằng nghề dạy học, dành thời gian nuôi dạy con cái và kết bạn với những sĩ phu đương thời. Đến năm 1906 (44 tuổi), Nguyễn Sinh Sắc buộc phải nhận chức Thừa biện Bộ Lễ khi không còn lý do để thoái thác. Nguyễn Sinh Sắc cho rằng: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (chốn quan trường là nô lệ trong đám nô lệ, càng nô lệ hơn). Nguyễn Sinh Sắc thường nói: “Trung quân không phải là ái quốc, mà ái quốc là ái dân”. Cụ tán thành chủ trương canh tân của Phan Châu Trinh nên cho hai con trai của mình là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tức Nguyễn Tất Thành) vào học trường Pháp - Việt ở Huế từ năm 1905. Cụ dạy các con “Chớ lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình”(2).

Giữa năm 1909, Nguyễn Sinh Sắc được bổ làm Tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định). Lịch sử ghi lại: Thời gian này, cụ thường giao du với các nhà nho yêu nước ở địa phương hơn là có mặt chốn công đường. Cụ tạo điều kiện cho những người nông dân thiếu tiền thuế, những người tham gia phong trào chống thuế… trốn khỏi các nhà giam địa phương. Nhưng ngược lại, cụ rất căm ghét bọn cường hào ức hiếp nông dân.

Nhân vụ tên cường hào Tạ Đức Quang ức hiếp nông dân, lại chống đối nộp thuế, cụ liền ra lịnh bắt giam tên này và nghiêm khắc trị tội. Hắn chết sau khi thả ra 2 tháng. Vợ hắn làm đơn kiện lên thượng cấp, nên Nguyễn Sinh Sắc bị triều đình Huế bắt tội, bị giáng 4 cấp và cho đổi về Kinh. Chán ngán cảnh quan trường phức tạp, bất tín, Nguyễn Sinh Sắc bỏ chức, từ quan ngay sau đó. Ra khỏi chốn quan trường, có thể nói đây là điều kiện thuận lợi để Nguyễn Sinh Sắc dấn thân thực hiện ý nguyện nung nấu bấy lâu nay về con đường cứu dân, cứu nước. Đây cũng là bước ngoặt trong tư duy để cụ nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn giáo lý nhà Phật, thông qua đó mà tìm giải pháp phù hợp, vừa truyền bá được tư tưởng yêu nước, chống giặc ngoại xâm, vừa góp phần chấn hưng Phật giáo đang trong thời kỳ phân hóa, khủng hoảng, suy đồi.

Lần theo hành trình, từ đầu năm 1911, Nguyễn Sinh Sắc vào Phan Thiết, Sài Gòn. Sau khi chia tay Nguyễn Tất Thành để con xuất dương sang Pháp, cụ tới lui một số tỉnh Nam Bộ và sang tận Campuchia… Đi đến đâu, cụ cũng tìm cách quan hệ với các nhà sư, nhà nho yêu nước, các “chính trị phạm” của các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân đang hoạt động hoặc an trí. Suốt hành trình đất phương Nam, Nguyễn Sinh Sắc thường chọn chùa là chốn dừng chân, là nơi ngơi nghỉ, là đầu mối kết duyên đời - đạo, trao đổi tri thức, đàm luận về Phật học với các bậc cao tăng nổi tiếng đương thời.

Năm 1922, tại chùa Kim Tiên (Cai Lậy, Tiền Giang), nhân tổ chức lễ khánh thành và được lời đề nghị chính thức, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã viết tặng chùa một câu liễn đối, nội dung như sau: “Đại đạo quảng khai thố giác khiêu đàm đế nguyệt; Thiền môn giáo dưỡng quy mao thằng thụ đầu phong”. (Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước; Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây).

Kêu gọi trí thức dấn thân phục vụ nhân sinh

Cuối năm Bính Dần (1926), đầu năm Đinh Mão (1927), sau khi xong giới đàn tại chùa Tịnh Độ (Chợ Lớn), cụ Nguyễn Sinh Sắc lại giả danh một cao tăng chùa Từ Đàm (Huế) để về chùa Tiên Linh (Tuyên Linh) ở Mỏ Cày, Bến Tre - nơi trụ trì của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, một yếu nhân chủ xướng ra Nam kỳ chấn hung Phật giáo - mà đã một số lần cụ Nguyễn Sinh Sắc từng gặp tại Sài Gòn vào những năm 1923, 1924. Tuy lưu lại chùa Tuyên Linh không lâu, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc có mở được lớp dạy Phật tử dưới sự bảo trợ của sư Lê Khánh Hòa. Ngoài việc dạy học, cụ còn bắt mạch, hốt thuốc, cho toa trị bệnh đồng bào trong vùng. Thời gian này, cụ còn được móc nối quan hệ với Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn (Mười Mắn), Lê Văn Phát - là những nòng cốt của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Ba Tri, Bến Tre (sau này, Trần Văn An là Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Bến Tre, được thành lập vào cuối tháng 4-1930 tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri).

Trước khi rời khỏi chùa Tuyên Linh, cụ Nguyễn Sinh Sắc có đề tặng Hòa thượng Lê Khánh Hòa một số câu đối bằng chữ Hán, tiêu biểu là cặp đối có chứa hai từ “Như Trí”, vốn là pháp danh của Hòa thượng Lê Khánh Hòa. “Như thị Như Lai, xuất thế khai thông, hướng dẫn mê đồ quy Phật giới; Trí vi trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào trí thức thượng thiên lai”. (Ý chính: Như, ấy Đức Như Lai, ra đời mở đạo, dẫn dắt người lầm lạc về con đường giải thoát. Trí, là bậc tài trí, thực hành giảng giải lẽ cao sâu, thức tỉnh lòng người đến cảnh sống yên vui).

Nội dung hai câu đối trên thêm một lần nữa chứng minh tinh thần khích lệ, cổ xúy công cuộc chấn hưng Phật giáo đương thời mà sư Lê Khánh Hòa là người khởi xướng, đang phát triển, đồng thời cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của chính cụ Nguyễn Sinh Sắc là cần phải khẩn trương hướng dẫn quần chúng Phật tử quay về chánh pháp, phải kêu gọi đội ngũ trí thức kịp thời dấn thân phục vụ nhân sinh để đất nước Việt Nam sớm thanh bình, thịnh vượng.

Theo cụ Nguyễn Sinh Sắc, có thực hiện được ý tưởng quan trọng nêu trên thì mới “đích thực là Như Lai”, mới “đích thực là bậc trí”. Tư tưởng, cuộc đời, hành trình, hành trạng của cụ Nguyễn Sinh Sắc qua các chi tiết nêu trên cũng quá đủ để cho chúng ta thấy rõ cụ là một con người của tinh thần yêu nước, thương dân, biết xả thân cho đại cuộc. Đứng trên giác độ là tín đồ Phật giáo, cụ thật sự là một nhà tư tưởng nhập thế tích cực, dứt khoát, ẩn chứa tầm trí tuệ, tâm đại bi của một nhà sư mẫn ngộ, mẫn tuệ, thông suốt lý tánh trước thời cuộc nhiễu nhương. Cụ mãi mãi là tấm gương yêu nước, yêu dân sâu sắc, và nổi trội là nhà Phật học ưu tú, uyên thâm, đạt đạo, đắc pháp, đắc dân!