Khu di tích đền thờ và mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu
Cụ Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi mù lấy hiệu Hối Trai, sinh ngày 1.7.1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Ông đỗ tú tài ở trường thi Gia Định năm 1843. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi năm Kỷ Dậu ( năm 1849 ) nhưng chưa kịp thi thì có tin mẹ mất. Trên đường trở về chịu tang mẹ vì quá lo buồn khóc thương ông lâm bệnh và bị mù hai mắt. Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, cụ Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình chạy về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long ( nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ). Tại đây ông dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Ông có mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông…
Ngày 3.7.1888 cụ Nguyễn Đình Chiểu qua đời tại làng An Bình Đông, gần chợ Ba Tri nay thuộc xã An Đức, huyện Ba Tri.
Hơn một phần tư thế kỷ sống trên đất Bến Tre, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân ở đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng qúy báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Cụ đã dùng ngòi bút để ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, tố cáo tội ác của giặc Pháp. Cụ kiên quyết chống bọn vua quan bán nước, không hợp tác với giặc, giữ vẹn tấm lòng yêu nước thương dân. Hai câu thơ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” trong truyện thơ nôm Dương Từ - Hà Mậu của cụ như một lời tuyên ngôn, khẳng định một chính kiến, một chân lý ngời sáng đến muôn đời. Tác phẩm thơ văn của cụ như truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp hay các bài thơ điếu, văn tế như Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc, Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong, Văn điếu Trương Định, thơ điếu Phan Tòng, Phan Thanh Giản… đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ. Người Bến Tre và nhân dân cả nước kính trọng lòng yêu nước, quý mến tiết tháo và phẩm chất của cụ - một người đã nâng đạo lý yêu nước, thương dân, trọng nhân nghĩa, không khuất phục cường quyền thành sức mạnh tinh thần đánh giặc cứu nước.
Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu
Đặc biệt, truyện thơ Lục Vân Tiên được phổ biến rộng rãi trong dân gian, nhiều người dù không biết chữ nhưng vẫn đọc thuộc làu và nghệ thuật “nói thơ Lục Vân Tiên” đã ra đời, hình thức diễn xướng này làm cho truyện Lục Vân Tiên thêm hấp dẫn và đi vào lòng người.
Trên tạp chí Văn học ( tháng 7.1973 ) nhân kỷ niệm lần thứ 75 ngày mất của cụ, cố Thủ tướng Phạm văn Đồng đã có một nhận xét tinh tế, sống động “Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trên bầu trời đầy sao nhưng là vì sao có ánh sáng khác thường mà con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng. Cái ánh sáng khác thường, sáng hơn hết, rực rỡ hơn hết và bao trùm hơn hết của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu là tính chiến đấu bàng bạc trong các tác phẩm của người để lại”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam đã lập ra giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu công bố năm 1965 dành tặng cho các tác giả, tác phẩm nổi bật trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở miền Nam. Hiện nay nhiều con đường, trường học, bệnh viện ở Bến Tre và các thành phố lớn trong nước đã được vinh dự mang tên cụ, từ năm 1946 đến 1948, tỉnh Bến Tre được đổi tên là tỉnh Đồ Chiểu.
Khu mộ và đền thờ của cụ Nguyễn Đình Chiểu cách trung tâm thị trấn Ba Tri 2km về phía nam, nay thuộc ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri. Trong khu di tích có mộ của cụ, mộ bà Lê Thị Điền - người vợ hiền của cụ, mộ bà Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ.
Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của một nhà thơ lớn yêu nước của dân tộc đồng thời cũng là nhà giáo, người thầy thuốc của nhân dân nửa sau thế kỷ XIX. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 27. 4. 1990.
Nhằm tỏ lòng thành kính đối với cụ Đồ, vừa để phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin và tỉnh Bến Tre đầu tư xây dựng đền thờ mới, mở rộng khu di tích, khởi công vào ngày 1.7.2000, khánh thành ngày 1.7.2002 với tổng diện tích khu mộ và đền thờ là 13.000m2. Trước cổng đền, phía trái có nhà tiếp đón các đoàn khách, các cá nhân từ mọi miền đất nước về viếng cụ. Từ cổng đền đến nhà bia có sân rộng lát đá chẻ viền cỏ xanh rất khoáng đạt, khu vực đền còn trồng nhiều cây kiểng qúy, được uốn tỉa công phu. Cả khu vực thành một hệ thống liên hoàn hòa nhập với quang cảnh xanh tươi vốn có của vùng quê An Đức. Đền thờ hình tròn với 3 tầng mái tượng trưng cho ba nghề nghiệp của cụ Đồ Chiểu ( nghề dạy học, bốc thuốc và làm thơ ). Tượng cụ Đồ được làm bằng đồng thau, nặng 1,2 tấn. Mảng phù điêu bên trái tả cảnh cụ Đồ đọc văn tế “Lục tỉnh sĩ dân trận vong” tại chợ Đập (Ba Tri) năm 1883. Mảng phù điêu bên phải miêu tả trận đánh của Phan Ngọc Tòng tại Giồng Gạch ( xã An Hiệp – Ba Tri ). Nhà bia với 2 tầng mái tượng trưng cho hai cống hiến nổi bật, đó là những áng thơ văn yêu nước kiệt xuất “đã đạt đến độ toàn bích” của cụ, là ngọn cờ đầu của thơ văn yêu nước chống Pháp và những tác phẩm văn học dân gian xuất sắc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của thơ ca Nam Bộ.
Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu trong ngày lễ hội
Hàng năm vào ngày 1.7, ngày sinh của cụ, đã trở thành ngày hội truyền thống văn hóa của người Bến Tre để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước vào bậc nhất của Nam Bộ nói riêng, của Việt Nam nói chung trong thời kỳ chống Pháp. Lễ hội 1.7 được tổ chức long trọng, trang nghiêm nhưng không kém phần sôi nổi với những hoạt động như biểu diễn võ thuật, múa lân, đánh trống hội, liên hoan đờn ca tài tử, thi hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên, thi nấu mâm cơm ngày giỗ, triển lãm ảnh nghệ thuật, thi viết thư pháp, ngâm thơ, diễn cải lương, tuồng cổ…
Chương trình văn nghệ kỷ niệm ngày sinh cụ Đồ Chiểu
Nhưng trên hết, ngày hội này là để nhắc nhở mọi người nhớ đến tài năng, đức độ của bậc hiền tài. Tấm gương Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào sử sách, đi vào lòng người, không chỉ ở Bến Tre mà đã in sâu, lan rộng khắp vùng, vang xa cả nước. Nhiều nhà nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử đã viết về ông, không tiếc lời ca ngợi, đánh giá cao những áng văn chương tuyệt tác của ông, nhưng hơn hết chính là nó xuất phát từ tâm hồn, tư tưởng của một con người yêu nước thương dân đến cực độ. Chính vì thế, ngày 1.7 đã trở thành ngày hội lớn. Người hành hương viếng cụ hàng ngày vốn đã đông nay càng thêm đông đảo.