Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao càng nhìn càng sáng

 

Giáo sư Lê Trí Viễn là người có nhiều thuận lợi để đi vào thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Ông vốn người miền Nam, sinh và lớn lên ở đó, tuổi trẻ đã sống cuộc sống nông thôn nghèo ngặt và tắm mình trong nền văn hóa, nói như Nguyễn Thông, “kênh chằm lau lách” (xuyên trạch bố vĩ) của đồng quê. Bát cháo hạt cỏ năm đói, nước ăn chân mùa lụt, lội bùn mò cá, câu hát câu hát câu hò, kẻ cả hát bội, dặm câu Minh tâm, tam tự kinh_ông từng trải qua và ghi sâu trong lòng, hễ động tới là trào lên. Một mối đồng cảm rất dễ nối ông với văn thơ cụ đồ từ đó.

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao càng nhìn càng sáng là một trong số vai ba chuyên luận hiếm hoi (tính từ Nỗi lòng Đồ Chiểu và Phan Văn Hùm xuất bản năm 1938 đến nay) được cấu tạo, triển khai theo một phương pháp nghiên cứu nghiêm cẩn có tính mẫu mực. Nó đi từ điều kiện xã hội lịch sử cụ thể đến con người, sự nghiệp, cống hiến và vị trí xã hội, văn học. Đến đâu chứng minh đến đấy, chặt chẽ, thuyết phục. Hàng trăm người đã viết vè cụ Đồ nhưng ông vẫn có ý riêng và phát hiện mới.

Luận điểm đầu tiên này có ý nghĩa quyết định: Suốt đời cụ Đồ sống trong nhân dân và nhân dân Đồng Nai – Gia Định sống với nhân dân, như nhân dân nên có một bản lĩnh nhân dân vững chắc với một sức chuyển hóa phi thường.

Luận điểm đó đã cơ bản dân tộc hóa, nhân dân hóa Nho giáo để sử dụng nhiều khái niệm Nho với một nội dung khác phù hợp với truyền thống nước nhà từ thuở Lí, Trần. Nó đã chuyển đạo lí trong Lục Vân Tiên thành đạo nghĩa nhân dân chứ không còn là nhân nghĩa Nho giáo.

Trong Dương Từ - Hà Mậu, nó đã nhìn ra vấn đề thực dân Pháp núp sau Công giáo là hiểm họa xã hội chính trị của đất nước bấy giờ, kèm theo nha phiến và xâm lược. Không thể giải quyết tình hình ấy bằng khủng bố mà phải bằng một quan niệm rộng mở: “Đạo là đường, Đường đi nào phải một phương hẹp hòi”. Miễn sao đạo ấy khuyên người ta làm đúng bổn phận làm người, làm dân. Một quan niệm như thế thật hiếm thấy trên thế giới bấy giờ. Tác giả cho đó là chính đạo, một đạo lý nhân dân, và cụ Đồ đặt một vấn đề ý thức hệ chứ không phải bênh vực đạo Nho như ý người khác

Đến khi bổn phận làm người, làm dân ấy trở nên gay gắt trước sự xâm lược của giặc Pháp, thì chính nó đã giúp cụ vượt qua vua, đứng về phía nước và dân. Chính đạo bấy giờ trở nên đạo yêu nước chống giặc của văn thơ yêu nước và Ngư Tiều y thuật vấn đáp.

Ba chặn đường phát triển ấy trong sự tiến lên của tư tưởng cụ Đồ là một quá trình logic kiên cường thật cảm động lồng trong một logic khác càng đáng quý hơn là sự đồng nhất tuyệt vời ở cụ giữa cuộc đời và thơ văn. Đúng là một phát hiện quan trọng.

Đi sâu vào tòa bộ văn chương, còn không ít luận điểm lí thú khác. Ai cũng cho cụ Đồ là người nêu cao vai rò lịch sử lớn lao của người nông dân trong cuộc chống giặc cứu nước hồi đó. Tác giả lại nhấn mạnh tính lịch sử của vấn đề, mặt cảm thụ trước thực tế của cụ và xác định ở cụ không chỉ là sự phục hồi truyền thống mà một tình cảm chính trị có tính chiến lược về quân sự giữ nước của dân tộc. Một nhạy bén mà vua quan cả nước mù tịt nhưng lại sáng rõ ở trí tuệ một ông Đồ mù mắt. Đồng thời tác giả lại khơi lên xúc cảm của cụ qua các hình tượng ở bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: Không chỉ có “dân ấp dân lân” anh hùng mà “con cúi rơm, cái dao phay” cũng thoát nhân vật mà biến thành những anh hùng. Lớn thay, đẹp thay một cảm xúc như thế! Vậy mà cụ Đồ không chỉ co bấy nhiêu tính nhạy: đặt nước, dân trên vua là cũ nhưng lúc này là mới, đặc biệt quan niệm được phụ nữ và trẻ em là thành phần yếu đuối nhất trong xã hội và thương yêu hết lòng; Giáo sư Lê Trí Viễn xem đó là những dự báo chính trị, xã hội hông nhỏ của cụ cho chủ nghĩa xã hội !

Màu sắc miền Nam ở cụ Đồ đã thành đặc trưng. Nơi các tác giả khác cùng quê, nó đương lẻ tẻ với một vài quan điểm chủ yếu là ngôn ngữ và ít nhiều táo bạo trong hình tượng. Tới cụ tất cả thành hệ thống. Tiếng Việt miền Nam; cách dịch chữ Hán một cách ngang tang mà rất đắc để làm giàu tiếng mẹ đẻ; hình tượng hầu như hoàn toàn dân dã, tươi ròng chất sống mà không hề thô kể cả lúc đề cập tới những thực tế lớn lao, âm điệu cũng luôn ngọt ngào với âm vang khoáng đạt của văn hóa miền nam, với con người đã nhẹ bớt cái gánh phong kiến cũ, lặp lại hoàn cảnh sinh sống, giao lưu rộng rãi nơi đất mới_tất cả đưa đến một cốt cách riêng có vẻ ngang ngang, nhưng tươi tắn, lực lưỡng. Cũng vói cốt cách ấy, cụ đã đi vào một địa hạt trữ tình cực khó và trữ tình đạo lí và cụ đã thành công vang dội, cũng như cụ đã đạt tới cái chất thẩm mĩ bi hùng cao cả với các bài văn tế và thơ điếu các vị anh hùng chiến sĩ hi sinh trong công cuộc chống giặc buổi đầu đầy bi kịch..

Chuyện luận kết thúc bằng những đóng góp lớn lao của cụ cho cuộc đời, đất nước, nhân dân, văn học, lịch sử. Từ làm người, làm dân đến làm văn, làm thuốc, làm thầy, đâu đâu cụ Đồ cũng xứng đáng ở bậc đứng đầu, đi trước thời đại. Thật là xúc động khi tác giả cồn nhắc đến một câu của cụ về phận sự làm người, một câu thơ đáng thiên cổ: Man mác trăm chiều tâm sự, sống những lo trả nợ cho đời; phôi pha một mảnh hình hài, thác rồi bỏ làm phân cho đất.

Xin khỏi bình luận. Hẳn giáo sư tác giả sách này có chỗ đã cảm lại xúc cảm của cụ và theo phong cách viết văn nghị luận riêng của ông, sách này đã có không ít trang viết có tính nghệ thuật đáng quý, có thể xem là tấm lòng thành kính của ông dâng lên anh hồn của cụ Đồ.

    Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
                        NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC

MỤC LỤC
                                     
Lời nói đầu

CHƯƠNG I: THỜI ẤY                           
I.    Thăng trầm                                   
II.    Mất nước                

                     
CHƯƠNG II: NGƯỜI NÀY                             
I.    Cuộc đời                                     
II.    Sự từng trải              

                  
CHƯƠNG III: ĐIỂM QUA TỪNG TÁC PHẨM                   
I.    Chút ít phẩm bình     
II.    Lục Vân Tiên        
III.    Dương Từ - Hà Mậu                               
IV.    Văn thơ yêu nước và Ngư Tiều y thuật vấn đáp      

          
CHƯƠNG IV: NHÌN VÀO NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG: (Nội dung)           
I.    Từ lí tưởng đạo nghĩa đến chủ nghĩa yêu nước               
II.    Vai trò nông dân và những chân lí lớn trong truyền thống giữ nước   
III.    Ba lần tri thức                               
IV.   Với phụ nữ và trẻ em                 

         
CHƯƠNG V: NHÌN VÀO NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG : (Nghệ thuật)            
I.    Yếu tố dân gian, yếu tố nghệ thuật                      
II.    Màu sắc miền Nam                             
III.   Trữ tình đạo lí                             
IV.  Đặc trưng thẩm mĩ                

       
CHƯƠNG VI: ĐI SÂU VÀO HAI BÀI THƠ TIÊU BIỂU            
I.    Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc                        
II.    Ngóng gió đông                           

CHƯƠNG VII: ĐÓNG GÓP TRONG CUỘC ĐỜI VÀ VỊ TRÍ TRONG VĂN HỌC   
I.    Đóng góp                                    
II.    Vị trí                                      
THƯ MỤC THAM KHẢO