Sức sống Lục Vân Tiên

Sau 125 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (3-7-1888 – 3-7-2013), nhiều tác phẩm của ông vẫn thu hút sự quan tâm của những người yêu văn học truyền thống Việt Nam. Trong đó, Lục Vân Tiên với nội dung gần gũi, bình dị, nhiều tâm trạng mang tính chất tự truyện, được ông sáng tác trước khi Pháp xâm lược Nam Kỳ, có thể được xem là tác phẩm tiêu biểu hơn cả.

 

Gia đình nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tranh lụa của họa sĩ Trương Văn Ý, nguyên Hiệu trưởng Trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định từ năm 1972-1975. (Ảnh do nhà sưu tập Gérard Chapuis cung cấp)


Truyện Lục Vân Tiên - tác phẩm truyện thơ nôm dài 2.083 câu thơ - được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19. Truyện lên án những kẻ độc ác, xấu xa, tráo trở, gian manh, bất nhân, bất nghĩa và ngợi ca tấm lòng nhân hậu, thủy chung. Truyện nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là ở Nam Kỳ, suốt hơn một thế kỷ qua. Ảnh hưởng của truyện Lục Vân Tiên còn lan rộng cả nước, được lưu truyền dưới hình thức sinh hoạt văn hóa như “kể thơ”, “nói thơ Vân Tiên”, “hát Vân Tiên” ở Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ.


Mang đậm triết lý Á Đông


Ngay khi tác phẩm vừa ra đời, Lục Vân Tiên từng được Abel Des Michels phiên âm và dịch sang Pháp ngữ (Lục Vân Tiên ca diễn, Paris, 1883). Bên cạnh đó là các ấn phẩm: Lục Vân Tiên truyện do Trương Vĩnh Ký phiên âm in năm 1889; Vân Tiên cổ tích tân truyện bản Nôm do Tụ Văn đường in năm 1897 và Liễu Văn đường in năm 1921; Lục Vân Tiên truyện do Trần Nghĩa - Vũ Thanh Hằng phiên âm theo bản Duy Minh Thị đính chính (Kim Ngọc lâu tàng bản, in năm 1874); Lục Vân Tiên truyện do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và chú thích theo bản Duy Minh Thị đính chính (Bảo Hoa các tàng bản, Quảng Thạnh Nam phát thụ, không ghi năm in)…


Năm 2006, chuẩn bị đón chào Festival Huế, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ (trú số 30 Nguyễn Hoàng, thành phố Huế) đã tập trung công sức thể hiện tác phẩm Lục Vân Tiên bằng thư pháp chữ quốc ngữ và chữ Nôm viết song song trên nền vải lụa dài 120m, xếp thành 260 trang (khổ 0,85 x 0,45m), với phần chữ quốc ngữ được thể hiện theo lối thư pháp và chữ Nôm viết theo lối chân phương. Tác phẩm thực hiện dựa trên ấn phẩm Lục Vân Tiên của tủ sách văn hóa Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa - Sài Gòn năm 1975 (bản hiệu đính phụ bản chữ Nôm). Bên cạnh nét chữ tài hoa, khoáng đạt, mặt vải còn được điểm xuyết bằng hình ảnh của tứ bình (mai, lan, cúc, trúc hay tùng, cúc, trúc, mai) càng tăng thêm sự trang trọng, mềm mại, thanh thoát của tác phẩm. Ông Vĩnh Thọ bày tỏ: “Tôi nghĩ Lục Vân Tiên mang đậm triết lý Á Đông, với trung, hiếu, tiết, nghĩa... làm đầu. Những giá trị xuyên suốt thời gian ấy với cuộc sống hiện tại vẫn mang ý nghĩa thời sự. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn sinh viên có điều kiện tiếp cận tác phẩm, xem nó như một nguồn tư liệu chữ Nôm để tham khảo”.


Những họa phẩm quý giá từng bị lãng quên


Thú vị hơn nữa, từ đầu năm 2013, tại triển lãm tranh dân gian Việt Nam - tranh bộ ba (tại IDECAF, thành phố Hồ Chí Minh), công chúng lần đầu tiên được thưởng thức những bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên (bản chụp lại một số trang), vốn là những họa phẩm quý giá lần đầu tiên công chúng được nhìn thấy sau 120 năm bị lãng quên trong một thư viện ở Paris.

 

Một họa phẩm từ bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên bị lãng quên trong một thư viện ở Paris.


Theo nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux (Viện Viễn Đông Bác cổ tại thành phố Hồ Chí Minh), người đang giám sát việc nghiên cứu và phổ biến bản thảo này: “Vào khoảng năm 2011, GS Phan Huy Lê được phong Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp tại Paris. Trong dịp GS Phan Huy Lê đến viện này giao lưu và được đưa đi tham quan khu lưu trữ, ông và chúng tôi đã tình cờ phát hiện vài tư liệu quý, đặc biệt nhất là bản thảo số hiệu MS3816 về truyện Lục Vân Tiên mà lâu nay chẳng ai đề cập đến. Bản thảo được tác giả tặng cho viện lưu trữ từ ngày 26-5-1899; khoảng 120 năm qua, gần như chưa có ai đọc hay nghiên cứu nó. GS Phan Huy Lê và chúng tôi rất ngạc nhiên về vẻ đẹp hội họa, tính độc đáo và mức độ bảo quản hoàn hảo”.


Theo diễn giải của nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux: “Trang bên trái của bản thảo là những câu thơ của truyện Lục Vân Tiên được viết bằng tay khá quy chuẩn và đẹp. Đây là cơ sở để các hình vẽ có tính minh họa dựa vào, đồng thời thể hiện thêm sự sáng tạo của người họa sĩ. Trang bên phải là các hình vẽ (từ 4-6 hình) bao bọc khổ thơ chữ Nôm, với phong cách vẽ mới nhìn tưởng giống Trung Quốc, nhưng xem kỹ sẽ thấy sự Việt hóa khá nhiều. Nó mang đậm phong cách tranh dân gian Việt Nam. Cũng có ý kiến cho rằng, nó mang phong cách của tranh vẽ triều Nguyễn. Tôi chưa biết chắc về số tranh vẽ, nhưng có lẽ nhiều hơn 1.200 hình minh họa màu. Đáng chú ý nhất, đây là bản thảo viết và vẽ tay độc bản”.


Tác giả minh họa được cho là một người Pháp tên Eugene Gibert, đến Việt Nam thời trẻ, trong giai đoạn khoảng năm 1895 và 1897. Ông biết đến Lục Vân Tiên qua bản dịch tiếng Pháp năm 1883 của Abel des Michels. Gibert đến Huế để nhờ một họa sĩ tên là “Le dui trach” (có lẽ là Lê Duy Trạch, hoặc Lê Đức Trạch) vẽ minh họa áng thơ này. Sau 2 năm, Gibert về Pháp và quyết định tặng bản thảo này cho Viện Hàn lâm Pháp (năm 1899); nó đã nằm im trong kho lưu trữ cho đến ngày “hồi sinh” 30-11-2011. Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể trả lời, ví dụ: Gibert và “Le dui trach” là ai? Tại sao Gibert muốn vẽ minh họa tác phẩm Lục Vân Tiên mà không phải tác phẩm nào khác? Tại sao ông lại thuê một họa sĩ ở Huế mà không phải Hà Nội hay Sài Gòn? 


Tuy nhiên, tại cuộc triển lãm vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh, công chúng Việt Nam mới chỉ thấy bản chụp một số trang của bản thảo minh họa Lục Vân Tiên. Bởi hiện nay, bản thảo này vẫn còn nằm trong kho lưu trữ ở Paris. Trong quý 1-2012, Pascal Bourdeaux cũng chỉ mới xem bản thảo hai lần, chủ yếu là xin chụp vài bức ảnh và trình bày về việc số hóa với giám đốc thư viện. Do đó, có thể nói công việc này vẫn còn ở bước đầu, mọi hiểu biết về bản thảo còn khá sơ sài và có thể có sai lạc, nên phải cần thời gian để khắc phục và thông tin đầy đủ hơn.


Nguyễn Đình Chiểu sinh ra ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1843, ông đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học, chờ khoa thi Kỷ Dậu (1849), nhưng lúc sắp thi thì nhận được tin mẹ mất nên ông bỏ thi về Nam chịu tang. Trên đường về, ông khóc nhớ thương mẹ khiến hai mắt bị mù. Trở lại quê nhà, ông mở trường dạy học, bốc thuốc, làm thơ và nổi danh “Đồ Chiểu”. Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở làng Thanh Ba (nay là xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc), mở lớp dạy học, sáng tác thơ văn yêu nước, làm thầy thuốc với sự giúp sức của người vợ hiền là bà Lê Thị Điền.


Mặc dù không tận mắt chứng kiến diễn biến của trận tập kích công đồn hôm ấy nhưng tinh thần đấu tranh anh dũng, bỏ mình vì dân vì nước của những nghĩa sĩ Cần Giuộc đã in đậm trong trái tim cháy bỏng tình yêu nước thương dân của Nguyễn Đình Chiểu. Hình ảnh của những nghĩa sĩ nông dân trong trận công đồn năm ấy được ông khắc họa trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Thực dân Pháp tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, nhưng ông khảng khái khước từ, giữ trọn tấm lòng chung thủy sắc son với nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Ông mất ngày 24-5 năm Mậu Tý (tức ngày 3-7-1888) tại Ba Tri.