Sáng tác giai đoạn sau khi Pháp xâm lược Nam Kỳ

Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu gồm nhiều thể loại, đề tài, trong đó thành công nghệ thuật nổi bật nhất là truyện thơ Nôm và văn tế Nôm. Ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu tính nhân dân cùng những hình tượng nhân vật sinh động trong nhiều thể loại, khiến cho ngòi bút của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bồi đắp tâm hồn dân tộc, nâng vị trí của văn học miền Nam lên ngang tầm văn học cả nước. Ông là người kết thúc một cách rực rỡ văn học của giai đoạn trước đó và mở đầu cho dòng văn chương yêu nước chống xâm lược. Nguyễn Đình Chiểu đã trao dồi ngòi bút của mình một "thiên chức" lớn lao là truyền bá đạo làm người chân chính và đấu tranh không mệt mỏi với những gì xấu xa đê tiện, trái đạo lí, nhân tâm. Đó là khát vọng hành đạo cứu đời của người nho sĩ không may bị tật nguyền nhưng lòng vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Từ tác phẩm đầu tay đến tác phẩm cuối cùng, chưa bao giờ ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu xa rời thiên chức ấy.

Truyện thơ "Ngư tiều y thuật vấn đáp"

Những tác phẩm ở giai đoạn sau - thời kỳ đất nước bị xâm lăng - của ông là "những trang bất hủ ngợi ca cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống xâm lược phương Tây ngay từ buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta” (Phạm Văn Đồng). Người nghĩa dân, nghĩa sĩ chống Pháp và người sĩ phu “theo bụng dân” chiến đấu cho đại cuộc của dân tộc là những hình ảnh sáng chói trong thơ văn ông. Nói một cách khác, Nguyễn Đình Chiểu đã phản ánh được vấn đề cơ bản nhất của xã hội Việt Nam đương thời.